Sign In

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số năm 2023

04:51 25/02/2023

Ảnh: Điểm cầu Trung ương và một số điểm cầu của các bộ, ban, ngành, địa phương.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cà Mau: Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh. Cùng tham dự Hội nghị có thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh.

Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt về: nhận thức và hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh, như: Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực, đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí. Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 58 địa phương và 4 doanh nghiệp Nhà nước, tăng 1 bộ ngành và 27 địa phương so với cuối năm 2022; đã kết nối và chia sẻ thông tin dữ liệu tổng hợp về dân cư với Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã cấp trên 78 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối năm 2022. Các nền tảng ứng dụng về công dân số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả, đã có 61/63 địa phương triển khai chi trả các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và 56/63 địa phương triển khai chi trả cho đối tượng người có công với cách mạng.... Nhiều bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã đề ra của năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu như đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật phục vụ chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng.

Bên cạnh đó báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế, khó khăn thách thức cần khắc phục trong thời gian tới: Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi năm 2023 chưa được ban hành. Đến nay, mới có 6/30 bộ, ngành, và 29/63 địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ 01/01/2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Một số bộ, ngành Trung ương, địa phương chưa xác định đúng vị trí, vai trò, giá trị chuyển đổi số mang lại; chưa dành nguồn lực xứng đáng cho việc thực hiện chuyển đổi số, còn trông chờ vào các doanh nghiệp công nghệ. Nhận thức, hiểu biết, kỹ năng về chuyển đổi số của bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và có xu hướng tăng. Vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ngày càng khó khăn, phúc tạp hơn…

Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết: Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số”, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của cơ quan nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các chỉ số đều đạt và vượt so với mục tiêu. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 54,34%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng đạt 75%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt 30,07%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%… Từ đó cho thấy, chuyển đổi số góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới. Do đó, phải có tư duy đi trước, đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, dữ liệu dân cư là tài nguyên quý của quốc gia. Vì vậy, phải thể chế hóa để biến nguồn tài nguyên này thành nguồn lực, động lực của đất nước trong kỷ nguyên số...

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Ủy ban và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tập trung đánh giá thẳng thắn, khách quan thực trạng về tình hình chuyển đổi số và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, nhất là dịch vụ công trực tuyến; chỉ ra những điểm nghẽn, nguyên nhân tồn tại; đưa ra giải pháp; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý; đề xuất những giải pháp cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Bên cạnh đó, bám sát thực tiễn, dự báo tình hình, nắm bắt những vấn đề mới, công nghệ mới như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi - khối), ChatGPT…, đưa ra các phản ứng, giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số bền vững, thực chất, đồng bộ, dữ liệu số là yếu tố quyết định. Do vậy, chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, từ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước. Năm 2023 còn là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025. Năm 2023 thành công với việc hoàn thành các mục tiêu quan trọng đã đặt ra đến năm 2025 sẽ tạo lập nền tảng mang tính quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược không chỉ của giai đoạn 2021-2025, mà còn cho cả giai đoạn đến năm 2030. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương phải tập trung làm tốt một số việc sau:

Khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 (hoàn thành trong quý 1 năm 2023). Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu và định hướng phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị yếu kém; đồng thời, khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể làm tốt. Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia, nhất là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và đánh giá mức độ hoàn thành trong công việc của các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu Quốc gia, liên ngành với Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đẩy mạnh việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu kinh tế - xã hội từ các bộ, ngành của Trung ương, địa phương nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách. Thúc đẩy tích hợp các dữ liệu mỗi ngành, mỗi nghề, các lĩnh vực; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, đặc biệt là tình trạng lộ, lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, có chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Trong năm 2023, phải hoàn thành việc triển khai cung cấp dịch vụ công thiết yếu đảm bảo theo Đề án 06 và Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động, giảm chi phí hành chính, giảm chi phí đầu vào, đồng thời hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công Quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, nhất là các tham nhũng vặt…

 

BAN BIÊN TẬPcvb

Tag:

File đính kèm