Sign In

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên biển

19:11 21/09/2023
Biển và đại dương đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hợp tác quốc tế. Nhận thức tầm quan trọng của biển, thời gian qua, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Tỉnh Cà Mau cũng ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Biển và đại dương đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hợp tác quốc tế. Nhận thức tầm quan trọng của biển, thời gian qua, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Tỉnh Cà Mau cũng ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Cà Mau là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc, có vị trí khá đặc biệt với ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Toàn tỉnh có 6/9 huyện, thành phố và 23/101 xã, phường, thị trấn tiếp giáp biển. Trên biển có 10 đảo thuộc 03 cụm đảo: Cụm đảo Hòn Khoai (544 ha), cụm đảo Hòn Chuối (544 ha) và cụm đảo Hòn Đá Bạc (7,6 ha); đặc biệt, cụm đảo Hòn Khoai có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm giữa vùng biển Đông và Vịnh Thái Lan, gần đường hàng hải quốc tế, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành, lĩnh vực: Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, khoáng sản, du lịch, dịch vụ vận tải, cảng biển tổng hợp, phát triển năng lượng tái tạo, các dịch vụ... và có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Vùng ven biển có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, có giá trị cao về đa dạng sinh học, điển hình cho hệ sinh thái rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển Việt Nam, là một phần quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận. Vùng biển Cà Mau là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, thuộc vùng biển nông, nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng về loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao; điều kiện khí tượng thủy văn tương đối ổn định, thời tiết thuận lợi cho hoạt động thuỷ sản. Toàn tỉnh có đội tàu khai thác thủy sản trên 4.900 chiếc, trong đó có 1.676 tàu khai thác xa bờ; sản lượng khai thác hằng năm bình quân khoảng 200.000 tấn. Ngoài khai thác và nuôi trồng thủy sản, vùng biển và hải đảo Cà Mau còn có tiềm năng phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như: Dầu khí, du lịch sinh thái, công nghiệp cơ khí, hàng hải, năng lượng tái tạo,…

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế biển, đảo, Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy kinh tế biển, đảo phát triển toàn diện. Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 40-CTr/TU, ngày 30/6/2020 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên tinh thần quán triệt, thực hiện đầy đủ 05 quan điểm của Nghị quyết số 36-NQ/TW. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, tư tưởng hành động trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển bền vững kinh tế biển, nâng cao nhận thức về biển và hải đảo. Trong đó, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện ven biển thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vị trí, vai trò, tầm quan trọng, các giá trị, tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo của tỉnh Cà Mau nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và nhân dân.

Ảnh minh họa: Dự án điện gió Tân Thuận là dự án điện gió vận hành thương mại đầu tiên của tỉnh

Thường xuyên rà soát các chủ trương, quy định, chính sách, pháp luật,… của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển, để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy định. Rà soát điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu đô thị ven biển; huy động nguồn lực để từng bước đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện ven biển.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chương trình hành động số 40-CTr/TU, kinh tế biển của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; giá trị sản xuất của ngành tôm chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Ngành tôm chi phối đến đời sống trên 50% dân số của tỉnh, liên quan trực tiếp đến việc làm trên 350 ngàn lao động (trong đó, lao động tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300 ngàn người); nghề nuôi hàu, sò huyết ven biển, nuôi cá lồng bè ven đảo đang phát triển khá mạnh. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh bình quân hằng năm trên 370 ngàn tấn.

Toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp với 41 nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy hải sản, có máy móc và công nghệ hiện đại, tiên tiến; tổng công suất thiết kế khoảng 250 ngàn tấn tôm nguyên liệu/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P...). Kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng năm trên 01 tỷ USD, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Năm 2022, sản lượng chế biến tôm khoảng 183 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1,3 tỷ USD.

Cảng Năm Căn có khả năng tiếp nhận tàu 5.000 DWT, đây là hệ thống hạ tầng quan trọng thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Tỉnh đang tập trung mời gọi đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai và các cảng theo quy hoạch được phê duyệt để phát triển kinh tế hàng hải.

Bên cạnh đó, ngành dầu khí, năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo là một trong những điểm sáng của ngành công nghiệp tỉnh. Năm 2022, sản lượng phân bón ước đạt 01 triệu tấn, sản lượng khí thương phẩm ước đạt 1,3 triệu m3, sản lượng khí hóa lỏng đạt 105 ngàn tấn.

Sản lượng điện sản xuất ước đạt 4.200 triệu kWh (điện khí ước đạt 3.935 triệu kWh; điện mặt trời ước đạt 100 triệu kWh; điện gió ước đạt 165 triệu kWh). Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang tập trung xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi của tỉnh, với mục tiêu xuất khẩu khoảng 2.000MW vào năm 2031 và dự kiến tăng lên 4.000MW vào năm 2040. Tính từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 05 nhà đầu tư điện gió với 11 dự án nhà máy điện gió ven biển được cấp thẩm quyền giao khu vực biển, với tổng diện tích trên 6.241 ha (tổng công suất khoảng 592MW); trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao 03 dự án, diện tích 2.470 ha; Ủy ban nhân dân tỉnh giao 08 dự án, diện tích trên 3.771 ha. 03 dự án tổng công suất 100MW đã vận hành thương mại (Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận giai đoạn 1-25MW và giai đoạn 2-50MW; dự án Nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 1-25MW); 01 dự án công suất 45MW đã thi công hoàn thành đang chờ giá bán điện mới để vận hành.

Nhờ đổi mới hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, với chuỗi sự kiện Cà Mau - Điểm đến năm 2021, 2022, đặc biệt là Lễ hội Cua, thu hút lượng khách du lịch tăng mạnh qua từng năm (Năm 2022, thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch, với tổng thu du lịch đạt 2.200 tỷ đồng). Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đang được hoàn thiện; Đề án Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt là tiền đề tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất đáp ứng ngày càng tốt hơn cho hoạt động du lịch. Các tour, tuyến du lịch ngoài tỉnh đang dần kết nối với các khu, điểm du lịch của tỉnh; tuyến tàu du lịch Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội đi vào hoạt động từ ngày 29/4/2023, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh Cà Mau ngày càng tăng tốc. Các mô hình du lịch cộng đồng ở Đất Mũi ngày càng đảm bảo chất lượng, an toàn cho du khách; mô hình du lịch cộng đồng ở các huyện: Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, U Minh... từng bước nâng lên về chất lượng dịch vụ, thu hút ngày càng đông du khách.

Thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU, ngày 20/7/2022 của Tỉnh ủy về phát triển hệ thống đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, các đô thị ven biển cơ bản đạt đô thị loại IV, gồm các đô thị du lịch sinh thái như: Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời; đô thị chuyên ngành dịch vụ thủy sản như xã Khánh Hội, huyện U Minh; đô thị chuyên ngành năng lượng, công nghiệp thủy sản và logistics xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi. Trên địa bàn tỉnh hiện có 71 chợ, 02 trung tâm thương mại, 02 siêu thị tổng hợp, 03 siêu thị chuyên doanh, có trên 120 cửa hàng tiện lợi và hơn 6.300 cửa hàng kinh doanh tổng hợp hoạt động, phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 73.395 tỷ đồng; hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái biển, tỉnh đã chỉ đạo xúc tiến thủ tục thành lập các khu bảo tồn biển quanh các cụm đảo, khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau; xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng được quan tâm thực hiện.  

Dù tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật nêu trên; tuy nhiên, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có, chưa là động lực thật sự của nền kinh tế của tỉnh. Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đồng bộ. Cơ cấu ngành nghề khai thác thủy hải sản chưa hợp lý, phương tiện khai thác thủy sản ven bờ còn nhiều, chưa có giải pháp chuyển đổi hiệu quả; tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Tiến độ các dự án năng lượng còn chậm, số lượng dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại đạt thấp so với dự kiến. Hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ và nguồn lực để phát triển ngành kinh tế biển còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển. Chất lượng đô thị ven biển còn thấp, thiếu đồng bộ với các khu vực quy hoạch phát triển mới; chưa đầu tư được tuyến đường bộ ven biển, do đó chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như thu hút đầu tư. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, ven biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và sinh kế người dân; ô nhiễm môi trường biển có chiều hướng gia tăng; đây là những trở lực, điểm nghẽn kìm hãm phát triển kinh tế biển Cà Mau thời gian qua.

Ảnh minh họa: Lực lượng tàu khai thác thủy sản của tỉnh có hơn 4.900 chiếc đóng góp khá lớn trong phát triển kinh tế biển của tỉnh

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, phấn đấu đưa tỉnh Cà Mau trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh, bền vững về kinh tế biển, ngoài sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực của tỉnh thì rất cần sự quan tâm của các cơ quan Trung ương hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó ưu tiên các vấn đề sau:

Sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, để tháo gỡ những điểm nghẽn của vùng, đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, ban hành nghị định quy định hoạt động lấn biển.

Để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo của tỉnh, việc sản xuất điện tự cung cấp để sản xuất Hydrogen và xuất khẩu điện trực tiếp ra nước ngoài góp phần tạo đột phá phát triển công nghiệp của địa phương. Tỉnh Cà Mau đã định hướng đưa các dự án điện gió, điện mặt trời không nối lưới tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Do đó, đề xuất cấp thẩm quyền sớm ban hành hoặc tham mưu ban hành hướng dẫn việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo không nối lưới phục vụ cho việc sản xuất Hydrogen và xuất khẩu điện.

Xem xét, thống nhất chủ trương để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam triển khai đầu tư Nhà máy điện 3 công suất 1.500 MW (khí hóa lỏng) và mở rộng quy mô công suất Nhà máy Đạm trên cơ sở tận dụng hạ tầng hiện có tại Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau (tiết kiệm chi phí đầu tư), góp phần khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Hỗ trợ tỉnh Cà Mau sớm đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; thu hút đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Khu du lịch Đầm Thị Tường,... nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư nâng cấp cảng Năm Căn, xem xét bổ sung Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bố trí vốn thực hiện; bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ điều chỉnh quy hoạch, tạo cơ chế xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trước mắt, tiếp tục hỗ trợ vốn để tỉnh Cà Mau thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, ưu tiên tại các khu dân cư tập trung và đầu tư xây dựng 08 khu tái định cư đang có nhu cầu rất cấp thiết.

BAN BIÊN TẬP(Cg) 

 

Tag:

File đính kèm