Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, huyện Trùng Khánh xác định việc đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn lịch sử đảng bộ địa phương là việc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát từ nhiều năm qua nhằm xây dựng hệ thống tư liệu quan trọng, phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử cho các thế hệ; động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trước khi tỉnh ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã được Đảng bộ huyện Trùng Khánh quan tâm chỉ đạo thực hiện; hoàn thành một số công trình, như: “Lịch sử Đảng bộ huyện Trùng Khánh (1930 - 2005)”, “Lịch sử Đảng bộ xã Phong Châu (1946 - 2020)” hoàn thành xuất bản trong năm 2020. Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 25/6/2021 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trùng Khánh thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU cấp huyện; các xã, thị trấn thành lập BCĐ, ban biên soạn, tổ sưu tầm, khai thác tư liệu của đơn vị.
Với đặc thù là huyện sáp nhập và có nhiều xã sáp nhập nên công tác chỉ đạo thực hiện Đề án số 02 được Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm lựa chọn những xã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ xã trong năm 2022. Theo đó, huyện lựa chọn các xã có khả năng xã hội hóa tốt, những xã lớn, xã nông thôn mới, trung tâm của huyện để từ đó rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo thực hiện đối với những xã còn lại. Đề ra tiến độ thời gian thực hiện nghiên cứu, biên soạn tái bản bổ sung cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Trùng Khánh giai đoạn 2005 - 2020” từ năm 2022, hoàn thành năm 2024; tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ 18 xã, 2 thị trấn từ năm 2021, hoàn thành chậm nhất năm 2024. Trong năm 2022, tập trung nghiên cứu, biên soạn 8 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã. Quy trình các bước tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ huyện và đảng bộ các xã, thị trấn thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
BCĐ huyện thống nhất đề cương sưu tầm, cách khai thác tư liệu, phân công các đồng chí đi khai thác tư liệu theo chủ đề, nội dung, lĩnh vực với dạng bộ câu hỏi. Việc biên soạn đối với những xã sáp nhập đảm bảo đầy đủ nội dung, quá trình lịch sử của cả hai xã. Đối với xã Đình Minh là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, sau khi sáp nhập vào thị trấn Trùng Khánh đã không còn đơn vị hành chính, để ghi lại quá trình lịch sử của xã Đình Minh - “địa chỉ đỏ” của huyện, BCĐ của thị trấn Trùng Khánh không viết gộp lịch sử của xã Đình Minh vào thị trấn mà viết riêng cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Đình Minh 1946 - 2020” và dùng 100% kinh phí xã hội hóa.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng các cuốn lịch sử đảng bộ, BCĐ, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện đối với các xã, thị trấn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Các xã tổ chức thực hiện theo kế hoạch của huyện đề ra; công tác sưu tầm, hội thảo được các tầng lớp nhân dân, đảng viên, các đồng chí nguyên lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ, những người con của quê hương đang công tác tại địa phương khác quan tâm, hưởng ứng, giúp đỡ (hỗ trợ trong việc cung cấp tư liệu, xã hội hóa, tham gia góp ý các bản thảo). Đảng ủy các xã chỉ đạo rà soát, tổng hợp, lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình sưu tầm, khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở địa phương, chủ công là đội ngũ cán bộ, những người am hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống, có khả năng nghiên cứu, biên soạn, thẩm định các ấn phẩm lịch sử... Gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các đồng chí lãnh đạo địa phương, đơn vị qua các thời kỳ. Tích cực phát động trong cán bộ, nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp qua các thời kỳ cung cấp tư liệu, hồi ký, ảnh, hiện vật lịch sử… có liên quan.
Các bản thảo được các đồng chí có chuyên môn góp ý, tham gia hội thảo và thẩm định nên chất lượng đảm bảo. BCĐ huyện lựa chọn đơn vị hợp tác biên soạn, xuất bản có uy tín, chất lượng tham gia biên soạn trên cơ sở kinh nghiệm, kết quả biên soạn cuốn Đảng bộ xã Phong Châu xuất bản năm 2020. Việc lựa chọn một đơn vị hợp tác biên soạn trên địa bàn huyện tạo thuận lợi cho việc xử lý tư liệu, khâu nối những sự kiện lịch sử vì hầu hết các xã có sự liên quan đến nhau do quá trình chia tách, sáp nhập từ trước, quá trình ra đời của các chi, đảng bộ. Kinh phí thực hiện được tỉnh, huyện bố trí đảm bảo theo Đề án số 02-ĐA/TU, việc xã hội hóa được các đơn vị tổ chức thực hiện đảm bảo. Các xã, thị trấn huy động các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tập trung sức lực, trí tuệ, kinh phí đầu tư nghiên cứu, biên soạn, xuất bản. Đến cuối năm 2022 đã tiến hành thẩm định và làm thủ tục xuất bản 8 đơn vị: thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Trà Lĩnh, các xã: Phong Nặm, Đàm Thủy, Ngọc Côn, Quang Hán, Đoài Dương, Cao Chương, trong đó có 2 xã sáp nhập.
Hiện nay, huyện tiếp tục tổ chức sưu tầm, khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Trùng Khánh (1930 - 2020)” theo đề cương đã được thông qua Ban Thường vụ Huyện ủy và hoàn thành việc biên soạn bản thảo trong năm 2023. Tiếp tục tập trung chỉ đạo khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử đảng bộ địa phương theo lộ trình kế hoạch đã đề ra gồm 6 đảng bộ xã: Chí Viễn, Đức Hồng, Khâm Thành, Quang Trung, Ngọc Khê, Xuân Nội, chỉnh sửa, hoàn thành bản thảo trước ngày 30/11/2023 và xin cấp phép, xuất bản trong tháng 12/2023.
Xuân Thương