Sign In

Đập tan âm mưu kẻ xấu lôi kéo đồng bào Mông

05:00 19/12/2022

Bài 1: Âm mưu, thủ đoạn chia rẽ đồng bào Mông LTS: Cách đây 10 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 31/5/2012 về ngăn chặn, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHPDVM) trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nhận được sự ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện, tạo thế chủ động ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu hòng lợi dụng, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc Mông đi theo TCBHPDVM nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT), thực hiện âm mưu chống phá đường lối của Đảng. Để xóa bỏ tận gốc TCBHPDVM vẫn còn nhiều việc phải làm. Báo Cao Bằng đăng loạt bài (4 kỳ) sẽ phân tích công tác đấu tranh với TCBHPDVM trong thời gian qua, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, đấu tranh xóa bỏ TCBHPDVM.

Lịch sử nghìn năm vùng miền núi biên cương Cao Bằng là sự đoàn kết, gắn bó các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Sán Chỉ, Lô Lô… Hòng gây chia rẽ khối ĐĐKTDT của Đảng ta, một số kẻ xấu thực hiện âm mưu thâm độc vận động, lôi kéo một bộ phận đồng bào Mông đi theo TCBHP DVM muốn ly khai, tự trị, lập “Nhà nước Mông” do Dương Văn Mình (DVM) đứng đầu.

Cộng đồng dân tộc Mông chung vui trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

DÂN TỘC MÔNG TRONG CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

Dân tộc Mông có thế giới quan, nhân sinh quan nhân văn sâu sắc đã hình thành, hun đúc nên tinh thần, sức sống kiên cường và có niềm tin trung thành với Đảng. Đặc biệt, trong lịch sử đấu tranh cách mạng (CM), dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Mông và các dân tộc anh em Cao Bằng một lòng thủy chung theo Đảng, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày 1/5/1938, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, gần 400 đồng bào Mông, Dao thuộc châu Hòa An, Nguyên Bình ký vào đơn đòi giảm thuế, chống bắt phu và cử đồng chí Dương Kim Đao, dân tộc Mông (châu Hòa An) làm đại diện về Bắc Bộ phủ (Hà Nội) gặp Thống đốc xứ Bắc Kỳ để đấu tranh; hơn 200 đồng bào Mông, Dao về thị xã Cao Bằng đấu tranh đòi giảm thuế, chống bắt phu. Chính quyền địch đàn áp dã man nhưng không đè bẹp được ý chí đấu tranh mà càng thêm quyết tâm để đồng bào theo Đảng làm CM, giành độc lập, tự do.

Giai đoạn 1941 - 1945, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng Cao Bằng làm căn cứ địa CM, phát triển phong trào Việt Minh, chuẩn bị các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa CM Tháng 8/1945. Tại các châu: Hà Quảng, Thông Nông, Hòa An, Nguyên Bình có nhiều người Mông, Dao được cán bộ CM giác ngộ tham gia phong trào Việt Minh. Đặc biệt, gia đình đồng chí Dương Kim Đao, dân tộc Mông (Hòa An) là cơ sở hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng. Đông đảo đồng bào Mông khi được giác ngộ, nhận thức được con đường đấu tranh CM một lòng tin theo Đảng. Ngày 15/9/1943, các đại biểu dân tộc Mông, Dao Đỏ vùng cao các châu: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình tổ chức đại hội thành lập châu Chí Kiên; vùng Bảo Lạc mở đại hội thành lập châu Xích Long. Ngay sau đó, hai châu này mở đại hội tại Lũng Dẻ (châu Nguyên Bình) thành lập Khu Thiện Thuật, bầu ra Ban Việt Minh khu do đồng chí Dương Kim Đao, dân tộc Mông làm chủ nhiệm. Năm 1943, Khu Thiện Thuật trên vùng cao dân tộc Mông, Dao trở thành căn cứ CM quan trọng cho Trung ương Đảng chỉ đạo Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng triển khai con đường Nam tiến, đưa phong trào Việt Minh từ Cao Bằng phát triển xuống các tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên để nối với các tỉnh miền xuôi, tiến tới Tổng khởi nghĩa CM Tháng 8/1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.

Nhận định về sự đóng góp tích cực của cộng đồng dân tộc Mông trong khối ĐĐKTDT, đồng chí Đào Văn Mái, dân tộc Mông, nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh: Dân tộc Mông vốn có tinh thần nhân văn, niềm tin vào tư tưởng tiến bộ của Đảng. Ngay từ khi Cao Bằng phát triển phong trào đấu tranh CM, thành lập Mặt trận Việt Minh (1930 - 1945), đồng bào Mông sớm giác ngộ đi theo CM, xây dựng con đường CM quan trọng xuyên qua nhiều vùng núi cao hiểm trở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước tháng 8/1945. Sau này, đất nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ (1946 - 1954 - 1975), có nhiều thế hệ con em dân tộc Mông đi theo Đảng, cống hiến sức người, sức của đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hiện nay, người Mông tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng, lãnh đạo.

SỰ THỰC VỀ “TÍN NGƯỠNG DƯƠNG VĂN MÌNH”

Bước vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến nay), Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện các chính sách nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Nhưng do tập quán, điều kiện sinh sống của đồng bào Mông ở lẻ trên địa hình núi cao chia cắt, xa trung tâm xã, thị trấn, đời sống vẫn còn khó khăn, một số tập tục cũ, lạc hậu chưa xóa bỏ nên kẻ xấu đã lợi dụng để lôi kéo một số bộ phận đồng bào dân tộc Mông đi theo TCBHPDVM.

TCBHPDVM do DVM (sinh năm 1961) tên gọi khác là Dương Súng Mình, nguyên quán ở xã Thượng Thôn (Hà Quảng) thành lập. Trước khi chết (cuối năm 2021), đối tượng sinh sống tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Năm 1989, qua nghe đài Nguồn sống tuyên truyền về đạo “Vàng chứ”, DVM phán rằng Chúa Jêsu nhập vào y và tự xưng mình là chúa, là cha của người Mông, có tư tưởng ly khai, tự trị lập “Nhà nước riêng”. Với những luận điệu mê tín, dị đoan, DVM và một số kẻ xấu lôi kéo, ép buộc người Mông phải theo “đạo DVM, đồng thời thu tiền những người tin theo để trục lợi cá nhân.

DVM và đồng bọn tổ chức tuyên truyền mê tín, dị đoan ở các địa phương có dân tộc Mông với lời lẽ hoang đường: “Năm 2000 trái đất sẽ nổ tung, con người sẽ chết hết, ai theo DVM sẽ dược Chúa Jêsu đón lên trời sống sung sướng. Mọi người không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, ốm đau tự khỏi bệnh… Người Mông sẽ có Tổ quốc riêng… Muốn để DVM cúng lễ cầu hồn khỏi ốm đau thì phải mang theo tiền, bánh, kẹo, thuốc lá và của cải khác cho DVM làm lễ…”.

Tổ chức này quy định phải có “nhà nhỏ” tức “nhà đòn” để cất giữ các biểu tượng tâm linh sử dụng trong đám tang như con ve, con cóc, con én, cây thánh giá...; bỏ không thờ cúng tổ tiên, không đúng với truyền thống của dân tộc Mông và quy định của Nhà nước. Với sự ép buộc dụ dỗ, lôi kéo DVM và đồng bọn, hàng trăm hộ dân tộc Mông các tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên vì nhẹ dạ đã bán cả ngô, thóc, trâu bò, lợn… lấy tiền nộp cho DVM. Trước hoạt động trái pháp luật, năm 1990, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tuyên (cũ) tuyên phạt DVM 5 năm tù về 2 tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng của công dân và hành nghề mê tín, dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng. Tháng 5/1995, DVM mãn hạn tù và bỏ trốn khỏi địa phương.

Tháng 12/2000, DVM trở về thôn Ngòi Sen (Tuyên Quang) cùng các đối tượng lập ra “tổ chức”, “các bạn”, gửi nhiều đơn đến chính quyền địa phương nêu yêu sách đòi công nhận “tín ngưỡng DVM”; soạn thảo “Quy ước thôn Ngòi Sen”, công khai đề ra luật lệ, nghi thức riêng của “tổ chức” trong sinh hoạt, ăn, ở, cưới xin, ma chay… Sau này, tiếp tục vận động bà con tổ chức “Tết chung”, tổ chức “sinh nhật DVM” nhằm truc lợi cá nhân… Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, DVM và đối tượng cốt cán tiếp tục kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông ở một số địa phương bị ảnh hưởng tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật từ Cao Bằng sang Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân không tin, không nghe theo TCBHPDVM, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật. Thế nhưng khi chính quyền tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ “nhà đòn”; giải tán việc tổ chức “Tết chung”, “sinh nhật DVM”, lễ kỷ niệm “Ngày thành lập tổ chức DVM”… thì số đối tượng cốt cán, quá khích kích động, xúi giục người dân tập trung đông người gây cản trở an ninh trật tự, lấn lướt, chống đối chính quyền cơ sở, ngăn cấm không cho con em đi học, không nhận hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, lôi kéo khiếu kiện, tái dựng “nhà đòn”…

Sau một thời gian âm ỉ lắng xuống, từ năm 2017 đến nay, TCBHPDVM với sự tiếp sức của kẻ xấu thay đổi một số lời lẽ giáo lý vẫn cứ bám tìm đến đồng bào Mông, lôi kéo bà con theo chúng với nhiều âm mưu, thủ đoạn khác nhau. Chúng hoạt động chủ yếu ở các tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên... Khi DVM chết, các đối tượng tiếp tục lợi dụng các hoạt động tôn giáo nhằm “thần thánh hóa, tôn vinh DVM”; đồng thời tìm chọn, tiến cử người thay thế để lãnh đạo tổ chức.

Đồng chí Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35) của Tỉnh ủy:  Cao Bằng có 6.795 người dân tộc Mông, chiếm 11% dân số, trong đó có một bộ phận bị lôi kéo theo TCBHPDVM. Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy xây dựng, triển khai Đề án số 172-ĐA/TU, ngày 7/12/2021 của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa tinh thần ĐĐKTDT tại xã, xóm vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có TCBHPDVM để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đồng bào Mông không tin theo kẻ xấu lôi kéo, chia rẽ khối ĐĐKTDT; xây dựng lực lượng nòng cốt có trình độ, tâm huyết tham gia Ban Chỉ đạo 35 tại cơ sở để thực hiện 2 nhiệm vụ, gồm: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện thông tin tích cực bảo vệ tư tưởng của Đảng, tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch trên mọi phương diện đời sống kinh tế - xã hội.

      
Bài 2: Xây dựng niềm tin với Đảng

Trường Hà

Tag:

File đính kèm