Sign In

Hội thảo thực thi pháp luật và thống kê vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, giai đoạn 2022 - 2023

14:57 31/05/2024

Các đồng chí: Đỗ Nguyệt Quế, Phó Cục trưởng Cục 2, VKSND tối cao, Hoàng Cao Đức, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh đồng chủ trì. 

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Cao Bằng có đường biên giới dài trên 333 km giáp Trung Quốc, đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm, trong đó có các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD), động vật nguy cấp, quý, hiếm. Các đối tượng phạm tội thường chọn Cao Bằng là nơi tiêu thụ hoặc là địa bàn trung chuyển ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài.

Trước tình hình phức tạp của loại tội phạm này, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, bắt giữ xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về buôn bán vận chuyển ĐVHD quý hiếm. Qua thu thập, tổng hợp số liệu tội phạm liên quan đến ĐVHD, giai đoạn 2022 - 2023 chiếm tỷ lệ không lớn so với các địa phương khác trong toàn quốc. 

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh phát biểu ý kiến về công tác xét xử các vụ án liên quan đến động vật hoang dã.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, từ ngày 1/12/2022 đến 30/4/2024, số vụ án TAND hai cấp đã thụ lý 1.688 vụ/2.942 bị cáo, giải quyết 1.585 vụ/ 2.727 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm. Trong đó, tội phạm liên quan đến ĐVHD, động vật quý hiếm đã thụ lý 10 vụ/ 19 bị cáo, giải quyết 9 vụ/16 bị cáo.

Tại hội thảo, VKSND tỉnh, TAND tỉnh tham luận, đại biểu các ngành có liên quan tham gia ý kiến tập trung vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm và tội phạm về ĐVHD; công tác xử lý các vụ việc vi phạm; công tác giám định các loại ĐVHD, định giá, tính hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, việc giải quyết án, công tác cứu hộ và nuôi dưỡng ĐVHD quý hiếm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm còn hạn chế nên một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ các loài ĐVHD; thói quen sử dụng và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ ĐVHD, nhất là động vật thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm; những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm và tội phạm về ĐVHD trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục 2, VKSND tối cao Đỗ Nguyệt Quế cho biết, việc tổ chức hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục tội phạm liên quan đến ĐVHD. Mục đích hội thảo nhằm chia sẻ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ ĐVHD, hiểu sâu hơn về các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế; trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm về ĐVHD cho cán bộ, kiểm sát viên, thẩm phán VKSND, TAND hai cấp tỉnh nhằm có những giải pháp hữu hiệu để phòng chống tội phạm bảo vệ ĐVHD, bảo tồn thiên nhiên.

Tiến Mạnh

Tag:

File đính kèm