Sign In

Bài học từ cách giảm nghèo ở Cao Bằng - Bài 1

05:37 22/09/2023

Giảm nghèo bền vững luôn được Đảng, Nhà nước xác định là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc. Trong những năm qua, tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền tập trung nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

BÀI 1: HIỆU QUẢ GIẢM NGHÈO TỪ NHỮNG CÁCH LÀM SÁNG TẠO

Sau nhiều năm quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cao Bằng có nhiều cách làm sáng tạo triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững đã khích lệ ý chí khát vọng của bà con vươn lên thoát nghèo, khơi dậy tiềm năng thế mạnh địa phương.

Gỡ khó từ phương châm “một trung tâm + ba trụ cột + đa tiếp cận”

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê: Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đặt trong bối cảnh vừa có khó khăn về đặc thù riêng của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS,) nguồn vốn ít, vừa có kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo một số bộ phân dân tộc Mông đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHPDVM). Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở triển khai công tác giảm nghèo phải linh hoạt, phù hợp với đặc thù sản xuất người dân địa phương, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế và ý trí khát vọng của bà con DTTS để vươn lên thoát nghèo. Gỡ khó công tác giảm nghèo theo phương châm “một trung tâm + ba trụ cột + đa tiếp cận” - lấy người nghèo làm trung tâm + ba trụ cột (nguồn vốn tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), dự án; cả hệ thống chính trị vào cuộc trực tiếp từ tỉnh đến cơ sở; huy động các tầng lớp xã hội tham gia) + người nghèo, hộ nghèo lựa chọn học nghề, chọn mô hình sinh kế phù hợp với thế mạnh địa phương, đào tạo nghề và được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hộ nghèo dân tộc Mông, xóm Khau Dề, xã Thái Sơn (Bảo Lâm) được huyện hỗ trợ xóa nhà dột nát.
Hộ nghèo dân tộc Mông, xóm Khau Dề, xã Thái Sơn (Bảo Lâm) được huyện hỗ trợ xóa nhà dột nát.

Với phương châm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của tỉnh tập trung triển khai công tác giảm nghèo tại các huyện, xã nghèo biên giới đặc biệt khó khăn vùng DTTS phù hợp với thực tiễn, đặc thù địa phương để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh riêng từng huyện, xã theo phương châm “một trung tâm + ba trụ cột + đa tiếp cận” chuẩn nghèo đa chiều. 

Dân giàu ý chí, huyện mạnh tiềm năng 

Theo phương châm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, từ năm 2016 đến nay, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh chỉ đạo các huyện nghèo lấy việc giải quyết khó khăn, bức thiết trong đời sống hộ nghèo đồng bào DTTS làm nhiệm vụ trung tâm, huy động hàng nghìn tỷ đồng từ các chương trình MTQG, lồng ghép các chương trình, dự án tập trung đầu tư trên 1.500 công trình hạ tầng cơ sở về đường, điện, trường học, trạm y tế xã, hệ thống thủy lợi, nước sạch nông thôn, nhà văn hóa… nên các huyện, xã nghèo đã giải quyết vấn đề cấp thiết về hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện cho vùng đồng bào DTTS nghèo phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách miền núi và thành thị.

Hiện nay, từ thành phố Cao Bằng đi xe ô tô đến thẳng các xã xa nhất, khó nhất trước đây như Yên Thổ, Đức Hạnh (Bảo Lâm); Sơn Lập, Xuân Trường (Bảo Lạc) chỉ mất 3 - 4 giờ, đang có dự án đầu tư những tuyến đường khó ngoạn mục phục vụ phát triển du lịch, như chinh phục đèo Khau Cốc Chà cao 15 tầng cua (Xuân Trường, Bảo Lạc); Phja Dạ (Sơn Lập, Bảo Lạc); cung đường núi đá ngắm cảnh quan Kéo Yên và di sản địa chất “Cúc đá tay cuộn” đi qua các xã Lục Khu (Hà Quảng) sang Mắt Thần núi (Trùng Khánh), Công viên địa chất Non nước Cao Bằng… trong top những điểm đến triển vọng và hấp dẫn của du lịch Cao Bằng.

Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng… khẳng định: Qua công tác giảm nghèo đã khơi dậy tiềm năng thế mạnh riêng từng xã, huyện trong sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát tiển du lịch dịch vụ ngay sau khi hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội được đầu tư. Khơi dậy ý chí bà con dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG các huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng đến xã, xóm khảo sát nhu cầu bà con mở hơn 600 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, làm mô hình, học nghề theo yêu cầu của 83.319 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đăng ký, phù hợp với đặc thù sản xuất, khơi dậy tiềm năng, lợi thế địa phương; hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 22.600 lao động nông thôn, sau đào tạo nghề, có hơn 80% lao động tự tạo việc làm mới tại chỗ. Do đó bà con nắm được khoa học kỹ thuật, chủ động tiếp cận được vốn vay nên tích cực vươn lên phát triển mô hình kinh tế phù hợp để thoát nghèo. 

Từ thế mạnh chăn nuôi bò, bà con dân tộc Mông, huyện Bảo Lâm đầu tư kỹ thuật, vay vốn ưu đãi cho bà con phát triển nuôi bò vỗ béothành hàng hóa bán ra thị trường.
Từ thế mạnh chăn nuôi bò, bà con dân tộc Mông huyện Bảo Lâm đầu tư kỹ thuật, vay vốn ưu đãi cho bà con phát triển nuôi bò vỗ béo thành hàng hóa bán ra thị trường.

Anh Hầu Văn Thành, dân tộc Mông, xóm Nà Thằn, Thạch Lâm (Bảo Lâm) cho biết: Nà Thằn vươn lên thoát được nghèo nhờ có cán bộ đến vận động, hỗ trợ kỹ thuật trồng vỏ voi, nuôi bò vỗ béo phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người Mông. Từ năm 2012 đến nay, bà con phát triển nuôi bò vỗ béo, mỗi hộ bán từ 2 - 7 con bò, thu nhập 50 - 80 triệu đồng/năm, trong đó có gia đình tôi. Hộ nghèo nhà dột nát được sửa nhà, làm nhà mới, cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí, trẻ em đi học được hỗ trợ… Do đó, những hộ trước đây bị dụ dỗ theo TCBHPDVM thấy rõ chiêu trò lừa gạt của kẻ xấu, tháng 12/2022 tự nguyện từ bỏ TCBHPDVM. Anh Thành còn khoe với chúng tôi, huyện Bảo Lâm còn có nhiều hộ dân tộc Mông, Dao làm kinh tế giỏi từ trồng hồi, sả, nuôi bò có tiền trăm triệu đồng.

Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng cho biết: Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của huyện trên 50%, trong đó có những hộ người Mông bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM. Những năm qua, Huyện ủy luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Từ khảo sát kỹ tình hình, huyện vừa đầu tư hạ tầng cơ sở đồng bộ đến 14 xã, thị trấn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo điều kiện cho bà con tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề theo nhu cầu, đặc thù thế mạnh sản xuất của bà con. Kết quả, bà con dân tộc Mông cải tạo hơn 100 ha ruộng bậc thang, đất ở, đất sản xuất, trồng ngô, cỏ voi, nuôi bò vỗ béo và phát triển kinh tế rừng. Từ công tác giảm nghèo tập trung vào khai thác thế mạnh địa phương nên bà con DTTS huyện chủ động vươn lên phát triển chăn nuôi gia súc, duy trì tổng đàn gia súc trên 40.000 con bò, trâu/năm, ngoài ra nuôi lợn, dê và phát triển kinh tế rừng từ trồng hồi, quế, sở, sả, sa mộc, sắn… Huyện giảm hộ nghèo 5%/năm, năm 2010 có trên 50% hộ nghèo, đến năm 2023 ước đạt dưới 20% (30% hộ nghèo đa chiều). Tháng 5/2023, huyện xóa bỏ hoàn toàn hộ dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM.

Với cách làm phù hợp, đổi mới công tác giảm nghèo đã khởi dậy ý trí thoát nghèo cho đồng bào DTTS, khơi dậy tiềm năng thế mạnh địa phương hình thành kinh tế vùng, đặc biệt nâng cao nhận thức cho một số bộ phận dân tộc Mông từ bỏ TCBHPDVM. Huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng phát triển nuôi bò vỗ béo, lợn đen, phát triển kinh tế rừng từ trồng hồi, quế, sở, sả, trúc sào, dược liệu, nếp hương… gắn với phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch đỏ. Huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Thạch An bà con phát triển trồng nếp Ong, nuôi vịt cỏ, trồng dẻ, trồng và làm thạch trắng, thạch đen… gắn với phát triển du lịch. Các huyện Hòa An, Nguyên Bình trồng dong riềng, sản xuất miến dong, trồng chè chất lượng cao, trúc sào, dược liệu… Hiện tỉnh có gần 100 sản phẩm OCOP từ 2 - 4 sao, nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp hữu cơ, làng nghề đưa ra thị trường trong nước và phục vụ sản phẩm du lịch. Bà con tin tưởng công tác giàm nghèo của Đảng, Nhà nước để tiếp tục phát huy các mô hình kinh tế từ lợi thế địa phương.

Hằng năm, toàn tỉnh có trên 5.000 hộ thoát nghèo, năm 2016 có 42% hộ nghèo, đến năm 2022 giảm xuống còn 18%. Ước giai đoạn 2021 - 2023 toàn tỉnh giảm 12,32% hộ nghèo, bình quân giảm 4,11%/năm, đạt mục tiêu đề ra. Hộ thuộc diện nghèo còn được tiếp cận với chính sách an sinh xã hội về văn hóa, y tế, giáo dục, ảnh hưởng sau do dịch Covid-19… nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành tích cực vận động các nguồn lực xã hội thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… hỗ trợ xóa cơ bản, dứt điểm 6.602 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo vào năm 2021 - 2023; xây trường học, bếp ăn, nhà bán trú cho trường học vùng cao; nhà văn hóa; tặng xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo...

Bài cuối: Không thể phủ nhận kết quả giảm nghèo

Trường Hà - Hồng Phượng

Tag:

File đính kèm