Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, có 10 huyện, Thành phố. Dân số năm 2023 là 547.857 người, với 35 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 95%. Do vậy công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Sau Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS; khơi dậy tinh thần đại đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS. Đồng bào các DTTS tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); xây dựng đường nông thôn do tỉnh phát động, thông qua hình thức tự nguyện hiến đất, trực tiếp đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, vật liệu làm đường nông thôn trên tinh thần tự giác, trách nhiệm, góp phần đạt được những thành tựu chung của tỉnh.
Trong 5 năm (2019 - 2024) toàn tỉnh đầu tư 7.946 tỷ 928 triệu đồng, trong đó, thực hiện Chương trình 135 là 249 tỷ 431 triệu đồng, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 3.851 tỷ 614 triệu đồng, CTMTQG giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 3.845 tỷ 883 triệu đồng. Thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS, qua đó phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của người có uy tín. Cấp phát đầy đủ báo, tạp chí cho các trưởng xóm, bí thư chi bộ, người có uy tín trên địa bàn. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các CTMTQG bước đầu đem lại hiệu quả.
Nhiều chương trình, chính sách, dự án về kinh tế được đầu tư vào vùng đồng bào DTTS đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung vùng mía nguyên liệu, mía xuất khẩu, vùng trúc sào, vùng hồi, vùng miến dong, vùng thuốc lá, vùng thạch đen… Một số cây trồng đặc hữu của tỉnh được chú trọng phát triển và ngày càng khẳng định được vị trí, thương hiệu trên thị trường, được nhiều khách hàng tin dùng, lựa chọn, như: cây lê 547 ha, cây dẻ 934,9 ha, cây thuốc lá 5.172,2 ha, cây hồi 8.546,83 ha, mác ca 312,84 ha, trúc sào 4.541,78 ha. Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định với 106.383 con trâu, 101.894 con bò, 339.349 con lợn, 3.083,83 nghìn con gia cầm.
Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc 3 CTMTQG, tỉnh thẩm định và phê duyệt 59 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc hữu của tỉnh, 773 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với 41.650 hộ tham gia. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hiện nay, tỉnh có 144 sản phẩm OCOP thuộc 4 nhóm sản phẩm (gồm 13 sản phẩm OCOP 4 sao và 131 sản phẩm OCOP 3 sao), có 92 chủ thể thực hiện (28 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 10 doanh nghiệp, 48 hộ sản xuất, kinh doanh).
Hệ thống hạ tầng vùng DTTS và miền núi được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2019 - 2024, triển khai thực hiện 2.171 công trình đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu (giao thông, nước sinh hoạt, mương thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế xã, chợ xã, nhà sinh hoạt cộng đồng xóm...); đẩy nhanh tiến độ Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Dự án tuyến kết nối thành phố Cao Bằng với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và nhiều dự án giao thông trọng điểm khác.
Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023”, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 19/1/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về lãnh đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh thực hiện lồng ghép chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; sử dụng các nguồn lực của ngân sách địa phương, kết hợp với các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện nghèo. Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 9.247 hộ (gồm nhà lắp ghép, nhà làm mới, nhà sửa chữa đảm bảo từ 1 - 3 tiêu chí cứng).
Các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hóa, thể thao vùng đồng bào DTTS tiếp tục được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục, hệ thống trường, lớp học phát triển, từng bước hoàn thiện đáp ứng được nhu cầu học tập cho các đối tượng. Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học ngày càng tăng, góp phần nâng cao dân trí, trình độ nguồn nhân lực cho tỉnh. Đặc biệt, tỉnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú và chế độ hỗ trợ trẻ 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non; chính sách hỗ trợ đối với học sinh DTTS rất ít người, học sinh khuyết tật…
Công tác y tế trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngày càng nâng lên. Số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế/tổng số trạm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 88,8%. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế; chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, hỗ trợ chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại gia đình, cộng đồng.
Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở địa phương. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nòng cốt là xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Chú trọng kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc…
Với nhiều cách làm linh hoạt, các chính sách dân tộc thực sự đi vào cuộc sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hằng năm trên 4%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 38,8%; 96% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm y tế. Thu nhập bình quân đạt 46,98 triệu đồng/người/năm. 95% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 94% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Với phương châm “Các dân tộc tỉnh Cao Bằng đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển bền vững”, trong thời gian tới, đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Hai là, nắm chắc tình hình ở cơ sở, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, thực hiện tốt công tác dân tộc, phát huy dân chủ ở cơ sở. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc, kiến nghị của đồng bào ngay tại cơ sở, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự. Nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng, chống, đấu tranh, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các đối tượng có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Ba là, thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, các CTMTQG; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh gắn với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là, quan tâm củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ và người uy tín tại xóm, bản; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ phụ trách vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo, giáo viên vùng đồng bào DTTS.
Năm là, tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời tranh thủ, tận dụng sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh bạn.
Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh