Sign In

Hội thảo giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn

14:00 06/09/2024
Sáng 6/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn”.

Chương trình hội thảo được sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Trung tâm quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn - Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Dự hội thảo có bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà H’ Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ngài Muthu Maharajan - Trưởng Chương trình vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, đại diện sở, ngành, lãnh đạo cấp hội ở cơ sở.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia UNICEF đã chia sẻ về sự cần thiết của việc đầu tư nước sạch và vệ sinh với phụ nữ và trẻ em; tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh đối với sự phát triển kinh tế, sức khoẻ cộng đồng và an sinh xã hội; báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Dự thảo Đề án “Thúc đẩy thực hiện 3 sạch” của Hội LHPN tỉnh và dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình 3 sạch, xoá bỏ hộ không có nhà tiêu, giai đoạn 2024-2026”.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, nhằm thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ phụ nữ thực hiện 3 sạch, từ năm 2022 Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai các hoạt động nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch, vệ sinh của phụ nữ nông thôn tại 05 tỉnh là Sóc Trăng, Thái Nguyên, Cà Mau, Gia Lai và Kiên Giang.

Bên cạnh những can thiệp trực tiếp, TW Hội đã cùng UNICEF tổ chức các hội thảo xây dựng và vận động ban hành Kế hoạch, Đề án giúp phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh nông thôn tại các tỉnh nêu trên.

Ngài Muthu Maharajan - Trưởng Chương trình vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc chia sẻ tại hội thảo

Với mong muốn hỗ trợ phụ nữ Đắk Lắk tiếp cận với nước sạch và vệ sinh, Trung ương Hội cùng với chuyên gia của UNICEF đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Hội LHPN tỉnh xây dựng dự thảo Đề án: “Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình 3 sạch, xoá bỏ hộ không có nhà tiêu, giai đoạn 2024-2026”.

Những nội dung đề xuất trong Dự thảo đều xuất phát từ nhu cầu của hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và học hỏi kinh nghiệm của 05 tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Thái Nguyên, Gia Lai và Kiên Giang.

Dự thảo Đề án đề ra mục tiêu đến tháng 12/2026 vận động được 3.700 hộ gia đình xây nhà tiêu/ lắp đặt thiết bị chứa nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS, trong đó hỗ trợ trực tiếp 1.000 hộ nghèo, cận nghèo và vận động lan tỏa 2.700 hộ tại 15 xã trên 2 huyện của tỉnh Đắk Lắk xây dựng nhà tiêu, lắp đặt thiết bị chứa nước hợp vệ sinh.

Trong khuôn khổ Hội thảo sẽ tập trung thảo luận cách thức, giải pháp để phát huy vai trò của các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk trong thực hiện hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, trên cơ sở những kết quả thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, những thuận lợi và khó khăn trong thời gian vừa qua để giúp Đề án có tính khả thi và hiệu quả cao hơn trong thời gian tới -bà Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc tổ chức hội thảo là nội dung hết sức cần thiết đối với địa phương trong việc quan tâm đến môi trường, sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em. Trong thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh, các tổ chức, cá nhân liên quan tăng cường các chính sách hỗ trợ, đầu tư các công trình nước sạch tại các vùng khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch, dịch vụ vệ sinh phù hợp, đảm bảo an toàn sức khoẻ; phối hợp với các đoàn thể đặc biệt là Hội phụ nữ tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách; thay đổi hành vi, thói quen nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe; ý thức bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước; tạo điều kiện về kinh phí cho Hội phụ nữ trong công tác phối hợp triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 3 sạch; tăng cường triển khai thực hiện tốt các gói chính sách, các nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện tiếp cận vay để đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,….

Bà Tô Thị Tâm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu tại hội thảo 

Theo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, qua khảo sát đánh giá, tại tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là rất thấp, mới chỉ đạt 25,67%. Đáng chú ý là huyện M’Drắk có công trình cấp nước nhưng chất lượng nước chưa đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch nên tỷ lệ người dân ở 7 xã nêu trên được tiếp cận nước sạch đạt chuẩn ở huyện M’Drắk là 0%, còn ở huyện Ea Hleo chỉ đạt 3,54%.

Về vệ sinh, theo số liệu mới điều tra năm 2023, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh của toàn tỉnh là 82%, trong đó chỉ có huyện Ea Sup đạt 69% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, tất cả các huyện còn lại đều đã đạt trên 70%, còn nhiều huyện có tỷ lệ hộ gia đình không có nhà tiêu cao, nằm trong khoảng 3-18%, đặc biệt huyện có tỷ lệ cao nhất là Ea H’Leo và M’Drắk.  

Theo báo cáo MICs của UNICEF năm 2020 chỉ ra, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước an toàn là 37,88%, tỷ lệ hộ gia đình không có nhà tiêu là 4,39%. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu an toàn là 58,29%. Thống kê cả nước có 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam, hơn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh hoặc đang phóng uế bừa bãi, hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng công trình nước sạch và nhà vệ sinh trong trường học; đặc biệt ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người dân tộc thiểu số, vùng khan hiếm nước.

Nguyên nhân là do nhiều hộ gia đình có điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chưa có khả năng tự cải thiện được điều kiện vệ sinh và nước sạch ở gia đình; chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề nước sạch, vệ sinh. Bên cạnh đó, sau khi đạt chuẩn, nhiều xã có tâm lý lơ là, buông lỏng, không sát sao nên kết quả các tiêu chí dễ thay đổi sau thời gian đạt được. Các chuyên gia cho rằng, để đạt được những kết quả nêu trên ngoài sự chủ động đề xuất của Hội LHPN các cấp, còn có sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của UBND và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp thực hiện đề án tại địa phương như lồng ghép các nguồn lực cùng mục tiêu của các chương trình, dự án đang được triển khai; triển khai đồng bộ trong đầu tư, nâng cấp và sửa chữa, ưu tiên các công trình cấp nước đang hoạt động để tránh lãng phí; Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh khu vực nông thôn,….

Kim Bảo

Tag:

File đính kèm