Đề án được thực hiện từ năm 2024 đến năm 2030 chia thành 2 giai đoạn (Giai đoạn 1: từ năm 2024 đến năm 2026; Giai đoạn 2 từ năm 2027 đến năm 2030) nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, Đề án tập trung thực hiện các giải pháp như: kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ lãnh đạo UBND cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức hội nghị, diễn đàn đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở…
Trao quyết định thành lập Tổ hoà giải tại buôn Sút Hluốt. (Nguồn: Cumgar.daklak.gov.vn)
*Công văn số 8241/UBND-KGVX ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục các địa phương: thực hiện nghiêm túc các khoản thu giáo dục, đào tạo năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh; phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ và thực hiện đúng quy định các khoản thu, chi năm học; tăng cường thanh tra, kiểm tra, áp dụng chế tải xử lý mạnh các trường hợp vi phạm quy định về thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bản; công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu, chi tài chính.
*Công văn số 8260/UBND-NNMT ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian giao mùa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ triển khai các nội dung sau: hướng dẫn xử lý phụ phẩm nông nghiệp, chỉ đạo trồng rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm tra đơn vị thi công các công trình xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, tự giác bảo vệ môi trường...
UBND các huyện, thị xã, thành phố: tuyên truyền người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, nhiên liệu tái tạo, ít phát thải; ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
*Công văn số 8262-UBND-KGVX ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 (Tuần lễ) nhằm tăng cường nhận thức, trách nhiệm, sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Theo đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai, tổ chức Tuần lễ từ ngày 01/10/2024 đến ngày 07/10/2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.
Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức Tuần lễ với các hoạt động như: Tăng cường hoạt động truyền thông (trên các phương tiện thông tin đại chúng; cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, băng rôn, khẩu hiệu…); tổ chức lễ khai mạc có sự tham gia của đại diện lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền và đông đảo tầng lớp nhân dân; triển khai các hoạt động hưởng ứng hướng về vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số (tọa đàm, hội thi, thư viện lưu động…).
Giờ đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, huyện Krông Pắc. (Nguồn: baodaklak.vn)
*Công văn số 8279/UBND-NNMT ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan: Quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế, lồng ghép các nội dung về tăng cường sức khỏe đất trồng trọt với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; điều tra, đánh giá, cải tạo đất trồng trọt làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý sức khoẻ đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và từng loại cây trồng; bồi dưỡng chuyên môn về sức khỏe đất, đặc biệt đối với đối tượng là cán bộ quản lý, chuyên môn tại địa phương; phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Thu Thủy