Sign In

Hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (Sửa đổi)

11:30 28/05/2024
Sáng 28/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở, ngành liên quan tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (Sửa đổi). Bà Tô Thị Tâm – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Sở, ngành, chuyên gia, cán bộ, hội viên cấp cơ sở.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Việc ban hành luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống mua bán người.

Bà Tô Thị Tâm – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu đề dẫn

Sau 12 năm triển khai Luật Phòng, chống mua bán người đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều (tăng 8 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011).

Phát biểu đề dẫn, bà Tô Thị Tâm – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, qua 12 năm triển khai thực hiện Luật Phòng chống mua bán người đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, ban ngành, Hội LHPN và cộng đồng xã hội trong tham gia đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Buôn Hồ tham gia ý kiến góp ý

Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người được thực hiện với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; công tác phòng ngừa được triển khai đồng bộ, công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người của các ngành chức năng đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc hỗ trợ nạn nhân được các cấp, các ngành và Hội LHPN các cấp quan tâm, bảo đảm các điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho nạn nhân...

Luật sư Tạ Quang Tòng –Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk kiến nghị bổ sung hành vi mua bán người trong dự thảo Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai Luật phòng, chống mua bán người còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập, thể hiện cụ thể trong các quy định về  tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân và đặc biệt là khó khăn, vướng mắc phát sinh từ việc thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật phòng, chống mua bán người với hệ thống pháp luật hiện hành.  

Lãnh đạo Công an tỉnh tham gia ý kiến

Một số ý kiến đánh giá tại hội thảo kiến nghị nhiều bất cập trong thực thi Luật phòng, chống mua bán người với hệ thống pháp luật hiện hành cần được bổ sung dự thảo luật sửa đổi như:  Hành vi “mua bán người” và các quy định cụ thể của Luật Phòng, chống mua bán người chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người; Các căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để họ hưởng các chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí thực hiện tiếp nhận nạn nhân bị mua bán; Chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn; Những người đang trong thời gian xác minh là nạn nhân cần phải được hưởng một số chế độ hỗ trợ thiết yếu; trách nhiệm các cấp, hợp tác quốc tế đối với nhóm trẻ sinh ra khi mẹ là nạn nhân mua bán người; dự thảo Luật sửa đổi cần mở rộng chăm sóc sức khỏe sinh sản; chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (Sửa đổi) cần điều chỉnh lại nội dụng gồm: Bố cục, kết cấu dự thảo; mở rộng khái niệm "mua bán người"; cách tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan về phòng, chống mua bán người…; bổ sung những vấn đề liên quan đến giới và lồng ghép giới trong Dự thảo Luật; Các chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, nạn nhân, người đang  trong quá trình xác định là nạn nhân, người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán người được nêu trong Dự thảo; Trách nhiệm của Hội LHPN trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là việc vận hành trung tâm trợ giúp xã hội hỗ trợ nạn nhân và công tác tuyên truyền, phòng, ngừa mua bán....

Kết luận hội thảo, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại biểu. Các ý kiến góp ý, trao đổi, đóng góp của đại biểu tại hội thảo là những thông tin vô cùng giá trị, thiết thực nhằm giúp Hội LHPN tỉnh làm tốt vai trò tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội.

Kim Bảo

Tag:

File đính kèm