Sign In

Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 3 tháng 12/2024)

10:10 19/12/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Nghị quyết số 28/2024/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND tỉnh Đắk Lắk quy định chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có đất ở thì được giao đất ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở. Trường hợp cá nhân đã được Nhà nước giao đất ở, nhưng nay không còn đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh thì được hỗ trợ đất ở theo quy định.

Ngoài ra, thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sinh hoạt cộng đồng; người dân tộc thiểu số không có đất, thiếu đất sản xuất cũng được hỗ trợ các hạng mục sau: đất sinh hoạt cộng đồng; đất nông nghiệp; thuê đất phi nông nghiệp.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2024.

*Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 06/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai thực hiện Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Kế hoạch).

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ cụ thể về phát triển hạ tầng đô thị như sau: phát triển các đô thị đồng bộ, bền vững; tạo sự gắn kết, hỗ trợ cùng phát triển giữa các đô thị; đầu tư, mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột để thành phố sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên và phát triển thị xã Buôn Hồ lên đô thị loại III, giai đoạn năm 2030, phát triển toàn huyện Ea Kar là đô thị loại IV trở thành thị xã là trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh; quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch nông thôn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng.

Bên cạnh đó, Kế hoạch còn triển khai các nhiệm vụ phát triển hạ tầng các lĩnh vực: giao thông; cung cấp điện; thủy lợi, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; các khu, cụm công nghiệp; logistics và dịch vụ thương mại; thông tin ; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; y tế; văn hóa, thể thao, du lịch; nông thôn mới.

*Công văn số 11642/UBND-NC ngày 11/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh.

Từ nay đến cuối năm, dự báo tình trạng tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN), công cụ hỗ trợ (CCHT) và pháo trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm những nhiệm vụ sau đây: tăng cường tuyên truyền về pháp luật, cảnh báo nguy hiểm từ VK, VLN, CCHT và pháo nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân; đẩy mạnh phong trào phát hiện và tố giác các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT và pháo; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo, đặc biệt là trong dịp lễ, tết, sự kiện lớn của tỉnh; triển khai phương án phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm bắn pháo hoa trong dịp lễ, tết, sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh (nếu có)...

Lực lượng chức năng huyện Ea H’Leo tiến hành tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ theo quy định (Hình minh họa)

*Công văn số 11645/UBND-KGVX ngày 11/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường công tác phòng chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan, chú trọng thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi đuối nước. Cụ thể như sau: chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn và phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục; tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho cha mẹ, trẻ em, học sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước (như hồ nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình xây dựng chứa nước…); triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở…)...

Một khóa dạy bơi do Hội đồng Đội huyện Cư Kuin tổ chức (Hình minh họa)

*Công văn số 11897/UBND-KSTTHC ngày 18/12/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản QPPL.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quyết liệt các nội dung như sau: xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC, không được đùn đẩy, kéo dài làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương; 100% hồ sơ TTHC của ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và phải liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện; nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; cung cấp các biểu mẫu điện tử tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC; thực hiện việc rà soát, công bố, đơn giản hóa TTHC nội bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC...

Thu Thủy

Tag: