Sign In

Thay đổi nhận thức, cách làm truyền thông chính sách

15:14 04/01/2024
Theo yêu cầu của Chính phủ, truyền thông chính sách là nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tại nhiều địa phương hầu hết giao cho cơ quan báo chí đảm nhận.Thực tiễn này đòi hỏi các Sở, ngành cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm hiệu quả nhằm đưa chính sách đến với người dân đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Chủ động xây dựng kế hoạch

Vừa qua, lo ngại không đổi giấy phép lái xe hạng A1 trước ngày 31/12/2023 sẽ phải sát hạch lại và bị xử phạt khi tham gia giao thông nên anh N.T.N, huyện Krông Ana đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm thủ tục cấp đổi sang dạng thẻ PET cho kịp trước Tết.

Người dân làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk

Anh N cho biết, do chưa tìm hiểu kỹ chủ trương đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET là chính sách khuyến khích của Cục Đường bộ Việt Nam và không bắt buộc. Song thời gian gần đây nghe nhiều người truyền tai nhau đến số lượng người đến làm giấy phép rất đông. Nhiều người dân sau khi được hướng dẫn tư vấn nhận thấy đây là thủ tục hành chính không cấp bách, cần phải làm “gấp” như  mọi đang chia sẻ qua mạng xã hội.

Qua trường hợp anh N. cho thấy, các chính sách sau khi ban hành điều chỉnh xã hội, tác động đến đời sống người dân. Nếu cơ quan ban hành không chủ động “tiên phong” truyền thông trước cho người dân sẽ có nhiều cách hiểu, thực thi chính sách gây lãng phí thời gian và tạo áp lực cho cơ quan hành chính.

Cán bộ y tế truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ cơ sở

Tại Đắk Lắk, ông Đỗ Đức Hà- Phó Giám đốc Sở Tư Pháp cho biết,  sau 1 năm thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị xác định truyền thông dự thảo chính sách là nhiệm vụ quan trọng. Quá trình tổ chức truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện thông qua 5 bước, gồm: lựa chọn và xác định nội dung truyền thông dự thảo chính sách; xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách; triển khai tổ chức truyền thông dự thảo chính sách thông qua các hình thức phù hợp, đa dạng và hiệu quả; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách…

Sở Tư pháp đã chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế.

Đến nay, toàn ngành tập trung nâng cao nhận thức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác này bước đầu đã có những kết quả tích cực nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong thể chế lẫn tổ chức thực hiện. Sở đã tập huấn trang bị thêm kỹ năng xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách cho cán bộ, công chức tham mưu công tác này -ông Đỗ Đức Hà chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Văn Hiếu cho hay, truyền thông chính sách là nhiệm vụ chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước. Báo chí và các phương tiện truyền thông khác là những phương tiện, công cụ để thực hiện công tác truyền thông. Coi truyền thông là việc của báo chí là nhận thức chưa đầy đủ. Do đó, các địa phương cần chủ động  đầu tư lập kế hoạch và bố trí ngân sách cho truyền thông chính sách, trong đó có ngân sách dành cho báo chí và các phương thức truyền thông mới, phù hợp với xu thế chủ động hiệu quả.

Thay đổi cách cung cấp thông tin

Hiện nay, truyền thông chính sách được hiểu là hệ thống các nỗ lực chủ động chủ trì và tương tác hai chiều của Nhà nước được thiết kế có chủ đích nhằm tiếp nhận và chia sẻ thông tin về chính sách cũng như quá trình chính sách gồm: Cách thức hoạch định, thực thi, đánh giá đến đối tượng chính sách nhằm thúc đẩy hiểu biết, phản biện, đồng thuận, sự tin cậy qua lại giữa nhà nước nói chung và các chủ thể chính sách nói riêng vì lợi ích công cộng.

Từ năm 2023, Thủ tướng phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 – 2027", yêu cầu 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội được truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng đến khi thông qua, ban hành văn bản.

Đại biểu tìm hiểu Triển lãm mô hình truyền thông về Luật Bình đẳng giới tại Khu du lịch Ko Tam

Theo đó, cơ quan, đơn vị nhà nước phải bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương; bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác TTCS. Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông. Bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách.

BHXH huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) tuyên truyền chính sách BHYT cho người dân

Qua thực tiễn triển khai tại nhiều địa phương, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, một số sự cố “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến việc thực thi các chủ trương, chính sách gần đây đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu chủ động cung cấp thông tin hoặc truyền thông chưa đúng, chưa hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước.

Do đó, hoạt động truyền thông chính sách cũng cần nhận diện đầy đủ với nội hàm không chỉ là thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách của cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần vai trò và trách nhiệm thực thi chính sách, thực thi và Truyền thông đi trước, bằng nhiều phương thức để thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận qua kênh Báo chí, Thông tin cơ sở (loa đài phường xã), Mạng xã hội, Bản tin Zalo, Tin nhắn ngắn, thông tin cảnh báo qua nhạc chuông nhạc chờ...

Về cách thức triển khai, cơ quan nhà nước chủ động  đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan toả thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ không ảnh hưởng, mâu thuẫn với cơ chế tự chủ của cơ quan báo chí.

Thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về chủ thể thực hiện như: Họp báo thường xuyên hơn; cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn thay cho trả lời phỏng vấn, đầu tư cho những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan toả, dẫn dắt xu hướng thông tin về ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cần cân nhắc giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối “sàng lọc” các nhu cầu cung cấp thông tin của báo chí, gợi ý cách cung cấp thông tin phù hợp, đảm bảo quyền tác nghiệp của báo chí theo quy định. Xác định nhóm đối tượng cơ bản chịu sự điều chỉnh của cơ chế, chính sách, để xác định cách thức, phương thức thông tin phù hợp.

Xác định cơ quan, người chịu trách nhiệm tổ chức thông tin, phân kỳ thông tin để xác định thời điểm thông tin các nội dung cho phù hợp, cần tránh đưa ra một cục, không cặn kẽ, dễ dẫn đến đối tượng chịu tác động và dư luận chưa hiểu phản ứng ngay, đẩy vấn đề thành bức xúc. Tranh thủ ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực, có uy tín để cùng có thông tin tạo lòng tin và tính đa chiều của nội dung cơ chế, chính sách- ông Nguyễn Văn Hiếu gợi mở.

Như vậy, để làm tốt công tác truyền thông chính sách, cơ quan hành chính nhà nước cần xác định vai trò là chủ thể trong xây dựng kế hoạch truyền thông, quá trình thực hiện không chỉ dừng lại ở phối hợp giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí mà phải chủ động “Kịch bản” tuyên truyền đa chiều, lắng nghe phản biện để chính sách đi vào thực tiễn đáp ứng nhu cầu người dân.

Kim Bảo

Tag:

File đính kèm