Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông HOÀNG MẠNH HÙNG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, phụ trách lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của tỉnh.
|
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hoàng Mạnh Hùng. |
* Thưa ông, Đắk Lắk là địa phương có số lượng tín đồ tôn giáo khá đông, với đa thành phần dân tộc. Thời gian qua, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã được tỉnh triển khai như thế nào để phát huy vai trò của các tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh?
Đắk Lắk có bốn tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài, với tổng số tín đồ trên 616.000 người (chiếm khoảng 32% dân số của tỉnh), tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số có trên 250.000 người. Chính vì vậy, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của công tác tôn giáo, trong thời gian qua tỉnh luôn tăng cường, đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động quản lý nhà nước đối với tôn giáo. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc và các tín đồ tôn giáo với nhiều hình thức, như: gặp mặt, tọa đàm, đối thoại và tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật. Quan tâm, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng đối với hoạt động tôn giáo, từ năm 2018 đến nay (khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực), ngành chức năng tỉnh đã tham mưu giải quyết 454 nhu cầu tôn giáo, trong đó cho phép thành lập 43 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 58 cơ sở được cấp phép xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và những hoạt động tôn giáo trái quy định của pháp luật. Đồng thời, làm tốt công tác vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận và gắn bó giữa tôn giáo với chính quyền... Nhờ đó, nhiều chức sắc các tôn giáo đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nòng cốt trong công tác quản lý, hướng dẫn vận động chức sắc, tín đồ tham gia phong trào thi đua, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng thôn, buôn văn hóa, không tệ nạn xã hội”; “Xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng xã phường an toàn”; “Xóa đói giảm nghèo”...
* Xin ông cho biết, những giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống thủ đoạn lợi dụng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch?
Đắk Lắk là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Chúng đặc biệt lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc và kích động chống Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo luôn được các cấp, ngành của tỉnh chú trọng. Trong đó, đã thực hiện tốt việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo; tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động tôn giáo và đường lối, chính sách đúng đắn về tôn giáo của Đảng, Nhà nước, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017, của Chính phủ, về “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”, để cán bộ, người dân và tổ chức, cá nhân theo tôn giáo hiểu, nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện đúng.
|
Ông Y Púp Knul (bìa phải), tín đồ đạo Tin lành thuộc Chi hội Tin lành Ea Kar (huyện Ea Kar) chia sẻ về mô hình phát triển kinh tế của gia đình. |
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, các ngành liên quan cũng tích cực hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận và theo quy định của pháp luật; giải quyết thấu đáo các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy của người dân trên địa bàn, loại bỏ yếu tố chính trị cực đoan ra khỏi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đẩy mạnh công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành nâng cao trách nhiệm xã hội trong hoạt động tôn giáo. Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo mới hoạt động chống đối, ly khai, có màu sắc chính trị, không để hình thành tổ chức.
* Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển quê hương, đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thời gian tới cần tiếp tục có những giải pháp gì, thưa ông?
Bám sát vào sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành liên quan cùng chính quyền địa phương các cấp tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra cơ sở để kịp thời phát hiện những vụ việc phát sinh, tham mưu giải quyết, không để tạo ra "điểm nóng".
Tiếp tục duy trì các hoạt động thường niên, làm tốt công tác vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành và sẻ chia trách nhiệm với xã hội; chủ động đối thoại, lắng nghe ý kiến của chức sắc, tín đồ tôn giáo, giải quyết các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, địa phương các cấp cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo, phát huy thế mạnh của tôn giáo, tín ngưỡng tham gia vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, du lịch tâm linh...
Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ và giúp đỡ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Đại diện Tin lành tỉnh, các Hội Thánh Cao đài hoạt động hiệu quả để tập hợp, đoàn kết chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Phát huy vai trò của các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo, gắn bó và đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lê Thành (thực hiện)