Sign In

Người gây dựng thương hiệu mắc ca Hải Yến cho Đắk Song

05:48 21/03/2023
Cá tính, bản lĩnh, không ngại khó, ngại khổ, sáng tạo, chăm chỉ trong lao động sản xuất, chị Lục Thị Yến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hải Yến, tổ dân phố 6, thị trấn Đức An (Đắk Song) là tấm gương sáng để các chị em học tập.

Năm 2012 thấy được tiềm năng, giá trị của cây mắc ca, chị Yến đã mạnh dạn tìm mua, trồng 200 cây trên diện tích 1 ha của gia đình. Thời điểm ấy, cây mắc ca còn khá xa lạ với người dân, chị Yến phải tự tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc để áp dụng cho vườn mắc ca. Đến khi có trái cho thu hoạch, nhưng vì là mặt hàng còn khá mới nên khó tìm được người thu mua. Việc tiêu thụ gặp khó khăn, nên không được giá như mong đợi. Thấy vậy, thay vì bán hạt thô, chị Yến đã đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất rang sấy hạt mắc ca để bán. Chị cũng thu mua hạt mắc ca của hộ dân trong vùng để bảo đảm nguồn nguyên liệu.

img_9348(1).jpg
Chị Lục Thị Yến, ở TDP 6, thị trấn Đức An (Đắk Song) đã trồng, sản xuất và mua bán các sản phẩm từ hạt mắc ca để phát triển kinh tế 

Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm, mua phải hạt non, sản phẩm sấy ra chưa đạt yêu cầu... Sau thất bại, thua lỗ ban đầu, chị Yến vẫn không nản lòng mà càng thêm quyết tâm phát triển kinh tế với hạt mắc ca. Với sự kiên trì học hỏi, chị Yến tích lũy được nhiều kinh nghiệm, các sản phẩm dần tìm được đầu ra ổn định. Để bảo đảm vùng nguyên liệu, đầu ra sản phẩm ổn định, năm 2019, chị Yến quyết định cùng với các hộ dân đứng ra thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hải Yến, gồm 7 thành viên và 25 hộ liên kết, với tổng diện tích 70 ha trồng mắc ca tại các xã trên địa bàn huyện Đắk Song.

Đảm nhiệm vai trò quản lý và điều hành hợp tác xã, chị Yến rất trăn trở, tìm giải pháp đưa hợp tác xã phát triển. Chị Yến tâm sự: “Hồi đầu mới làm tôi gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thua lỗ nhiều. Nhưng tôi tự nhủ sao người ta làm được mà mình lại không, nên không ngừng nỗ lực tìm giải pháp làm cho bằng được. Ngoài việc tập trung chăm sóc, sản xuất sản phẩm mắc ca sẵn có, hợp tác xã đang đẩy mạnh việc liên kết với các hộ dân, mở rộng diện tích trồng mắc ca, bảo đảm nguồn nguyên liệu trong sản xuất”.

img_9325(1).jpg
Chị Yến tăng cường liên kết với các hộ dân trồng, sản xuất cây mắc ca để phát triển kinh tế

Nhờ đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, hợp tác xã đã dần hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông sản, giúp các thành viên và nhiều hộ gia đình ở địa phương có nguồn thu nhập ổn định, an tâm trồng trọt, sản xuất. Riêng năm 2022, hợp tác xã của chị đã xuất bán hơn 4 tấn mắc ca sấy nứt vỏ, đem lại doanh thu hơn 800 triệu đồng. Sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước…

Chị Trịnh Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đức An (Đắk Song) đánh giá: “Hợp tác xã của chị Yến làm giám đốc là mô hình kinh tế điển hình do phụ nữ làm chủ, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Bản thân chị Yến cũng là tấm gương sáng về bản lĩnh, không ngại khó, ngại khổ, sáng tạo, chăm chỉ trong lao động sản xuất”.

Tag:

File đính kèm