Huyện Tuy Đức có 6 xã với 73 thôn, bon, bản (có 02 xã biên giới, 03 xã vùng 3); diện tích tự nhiên 111.924ha, chiếm 17,2% diện tích toàn tỉnh; dân số 67.100 người, với 24 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 43,7%.
Triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 02/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nhân cách văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống “văn minh - nhân ái - nghĩa tình” trong cuộc sống, thời gian qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảng bộ, chính quyền huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc theo định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, tạo môi trường văn hóa, tinh thần lành mạnh cho người dân, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Tinh thần đoàn kết, lối sống “văn minh - nhân ái - nghĩa tình” trong cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư và trong xã hội được đề cao, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, trong công tác và cuộc sống. Đời sống văn hóa của Nhân dân ngày càng phong phú, giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành, góp phần to lớn vào việc xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới “chân - thiện - mỹ”; xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, cổ vũ Nhân dân thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương
Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Xây quỹ vì người nghèo”; các phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh thôn, xóm, xây dựng thôn xóm bình yên”; “Xây dựng quy ước an ninh văn hóa”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”... xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh doanh, ý thức trách nhiệm trong công việc, tận tụy phục vụ Nhân dân, qua đó góp phần làm cho văn hóa, đạo đức thấm sâu đến từng người, từng nhà, từng gia đình, cộng đồng và xã hội, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Sản phẩm đặc trưng của các địa phương trưng bày tại Ngày hội
Văn hóa-Thể thao các dân tộc huyện Tuy Đức lần thứ III, năm 2023 (Ảnh: Báo Đắk Nông). |
Thông qua các hội thi, hội diễn văn nghệ; ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc; các đợt sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn, bon, buôn. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách xây dựng gia đình, thôn, bon văn hóa; các phong trào yêu nước, gương người tốt việc tốt... Đồng thời, chủ động đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, phản bác các luận điệu, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, tăng cường chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực. Qua đó, đã góp phần đẩy lùi và xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiếu số của huyện.
Phát huy truyền thống ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được nâng cao về chất lượng, năm 2023, huyện Tuy Đức có 12.019/15.300 hộ gia đình văn hóa, đạt 78,56%; 64/73 thôn, bon bản văn hóa, đạt 87.67%; các thiết chế văn hoá được xây dựng, củng cố, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, huyện Tuy Đức có 01 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và truyền thông; 6/6 xã có Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã; 73/73 Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bon, bản được đầu tư; sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới viễn thông, internet được phủ rộng khắp... các thiết chế văn hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, qua đó nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục như: Lễ mừng mùa, Lễ phát rẫy, Lễ sum họp cộng đồng, Lễ cắm nêu cúng lúa...; khuyến khích lưu giữ và phát huy các ngành nghề truyền thồng như dệt thổ cẩm, đan lát... Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử được quan tâm. Huyện Tuy Đức còn lưu giữ 25 bộ cồng chiêng, 06 đội nghệ nhân đánh chiêng với có 58 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 03 nghệ nhân chỉnh chiêng, 17 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng; 05 di tích lịch sử được xếp hạng, như: di tích N’Trang Lơng (thôn 8, Đắk Buk So); di tích cây Mít tổ (Bon tái lập xã Quảng Trực); di tích lịch sử Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu P’răng (bon Đắk Huýt và bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực)…
Tuy nhiên hiện nay người dân, đặc biệt giới trẻ ưa chuộng văn hóa hiện đại, ít tham gia các hoạt động sáng tạo, bảo tồn văn hóa dân tộc nhất là các làn điệu dân ca, sử thi, cồng chiêng... đã ảnh hưởng tới việc duy trì, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở chưa thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, mức hưởng thụ văn hóa của đại bộ phận dân cư ở vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Một số nhà văn hóa thôn, bon, bản không đạt tiêu chuẩn theo quy định, nhiều trang thiết bị xuống cấp, không đảm bảo hoạt động.
Xây dựng nhân cách văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống “văn minh - nhân ái - nghĩa tình” là nên tảng của văn hóa đối với cán bộ, đảng viên, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là yêu cầu tất yếu đối với cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Tuy Đức nói riêng. Thời gian tới, đảng bộ, chính quyền huyện Tuy Đức tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 07-ĐA/TU, ngày 02/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nhân cách văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống “Văn minh - Nhân ái - Nghĩa tình” trong cuộc sống, chú trọng xây dựng nhân cách văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống trong từng gia đình, cộng đồng dân cư. Chăm lo, giáo dục đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ, văn hóa kinh doanh, nếp sống văn minh nơi công cộng. Cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể tiếp tục quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của từng dân tộc trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức: Ngày hội văn hoá thể thao, giao lưu văn hoá thể thao các đồng bào dân tộc thiểu số; đại hội thể dục - thể thao cấp huyện; hội diễn văn nghệ quần chúng; Lễ mừng mùa, Lễ phát rẫy, Lễ sum họp cộng đồng,...
Xuân Tuân