Chiều 30/11, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2. Hội nghị có chuyên đề quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH- ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch vùng Tây Nguyên có ý nghĩa quan trọng, giúp mở đường, chủ động kiến tạo phát triển. Quy hoạch phải dựa trên cơ sở tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng. Quy hoạch sẽ giúp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư vào Tây Nguyên giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.
Hội nghị đã nghe đại diện đơn vị tư vấn trình bày báo cáo nội dung chính của quy hoạch vùng Tây Nguyên. Tại hội nghị, các, bộ, ngành đề xuất nhiều nội dung quan trọng đối với quy hoạch.
Theo đó, quy hoạch cần bổ sung thêm tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y; Dầu Giây- Liên Khương -Nha Trang.
Quy hoạch cần nâng cấp tỉnh lộ 687B thành quốc lộ kết nối từ Ea H'leo (Đắk Lắk) đến thị xã Ayun Pa (Gia Lai); nâng cấp tuyến đường nối từ Cửa khẩu Bu Prăng - Gia Nghĩa - Bảo Lộc - quốc lộ 55 - Ninh Thuận - Bình Thuận.
Nhiều địa phương đề nghị bổ sung vào quy hoạch Bệnh viện Quốc tế quy mô 1.000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân 13 tỉnh thuộc khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Các đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến mục đích sử dụng đất để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Trung ương cần bổ sung phương án bảo tồn và phát huy văn hoá vùng Tây Nguyên. Trong đó, cần thêm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để gìn giữ và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên, nhất là văn hóa cồng chiêng cần được chú trọng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười kiến nghị cơ quan lập quy hoạch xem xét, bổ sung các giải pháp phát triển ngành công nghiệp khu vực Tây Nguyên.
Việc bổ sung lĩnh vực này là phù hợp với chủ trương đề ra tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đề nghị bổ sung trục hành lang kinh tế động lực của Đắk Nông vào quy hoạch vùng Tây Nguyên. Đó là trục quốc lộ 28 - tỉnh lộ 686 - tỉnh lộ 1 - quốc lộ 14C - Cửa khẩu Bu Prăng. Trong quy hoạch nên tập trung quy hoạch nguồn nước, tạo các hồ chứa nước để bảo đảm an ninh nguồn nước.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Tây Nguyên có vai trò chiến lược quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Việc lập quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức cấp thiết.
Giai đoạn tới, Tây Nguyên tiếp tục bám sát các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia để thúc đẩy phát triển xanh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về công nghiệp, Tây Nguyên ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản, khai thác bô xít; phát triển các trung tâm nông nghiệp lớn; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.
“Toàn vùng cần thành lập trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Việc liên kết nội vùng, liên vùng và với các tiểu khu vực lân cận cần được đẩy mạnh. Tây Nguyên cần phát triển kết cầu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, tạo ra động lực phát triển mới”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Tây Nguyên cần tập trung thu hút đầu tư và phát triển các sản phẩm đặc thù. Toàn vùng tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước.