Sign In

Đắk R’lấp khơi dậy sức mạnh nội sinh

12:20 27/02/2024
Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người, tạo nguồn sức mạnh nội sinh trong chặng đường phát triển.

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa

Điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội đã hình thành nên mảnh đất Đắk R’lấp giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Trong những truyền thống tiêu biểu của con người nơi đây phải kể đến tinh thần cần cù trong lao động. Người dân huyện Đắk R’lấp đã biến những mảnh đất hoang hóa thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng.

Trong chặng đường phát triển, Đảng bộ huyện Đắk R’lấp đã có nhiều chủ trương và cơ chế, chính sách về phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người. Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk R’lấp cho biết, phát triển văn hóa được xem là nền tảng tinh thần quan trọng cho sự phát triển của xã hội.

Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk R’lấp đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung, chăm lo làm tốt công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư". Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai sôi nổi với nhiều hoạt động, nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.

Hoạt động trải nghiệm của các em học sinh bon Pi Nao, xã Nhân Đạo về nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện quan tâm đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa. Huyện Đắk R’lấp có các giá trị truyền thống văn hóa đặc trưng như: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, đàn đá, hát chèo… Những giá trị này đã và đang được người dân trên địa bàn huyện giữ gìn và phát huy.

Ông Trần Khương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Đắk R’lấp cho biết, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan và qua các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả người dân hiểu được giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống, trong đó có giá trị truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số M’nông. Do đó, người dân nêu cao tinh thần giữ gìn văn hóa của dân tộc mình. Trên địa bàn còn nhiều nghệ nhân, gia đình giữ văn hóa truyền thống.

Đoàn nghệ nhân dân gian của huyện được UBND tỉnh nhiều lần lựa chọn đại diện cho tỉnh tham gia biểu diễn tại các sự kiện trong nước và quốc tế. Chị Thị Wor, bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín cho biết: “Tôi may mắn được biểu diễn tại một số sự kiện. Tôi rất phấn khởi vì văn hóa của dân tộc mình được người xem đón nhận, tìm hiểu. Tôi luôn ý thức rằng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc giữ gìn văn hóa là để hòa nhập mà không hòa tan. Để làm được điều này, nhân tố con người rất quan trọng, là chủ thể trực tiếp gìn giữ và lan tỏa những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc. Tôi sẽ cố gắng gìn giữ, lan tỏa tốt nhất nét văn hóa của dân tộc mình”.

Cũng theo ông Trần Khương, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở huyện diễn ra sôi nổi, trở thành "món ăn" tinh thần bổ ích, lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Các liên hoan, hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng được tổ chức định kỳ, thường xuyên. Hoạt động góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đắk R’lấp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, 100% thôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn đều có câu lạc bộ dân ca, dân vũ, thể thao, văn nghệ, cờ tướng…. Các câu lạc bộ đã tích cực cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Huyện Đắk R’lấp có 12 bon và 1 cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số M’nông. Toàn huyện có 25 dân tộc cùng sinh sống. Đến nay, toàn huyện có 93% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 99% thôn, bon, tổ dân phố văn hóa; 100% xã, thị trấn văn hóa; 99% cơ quan, đơn vị văn hóa.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua

Cùng với giữ gìn văn hóa, huyện Đắk R’lấp chú trọng đến phát huy sức mạnh con người thông qua các phong trào thi đua. Theo ông Phan Anh Tuấn, TUV, Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp, tại huyện Đắk R’lấp, phong trào thi đua yêu nước được huyện đặc biệt quan tâm. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã gắn các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm của đất nước, của tỉnh để phát động các phong trào, triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân, các tầng lớp Nhân dân khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong từng năm và từng giai đoạn. Nội dung phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ đề ra cũng như nhiệm vụ và hoạt động của các ngành, các địa phương và trên từng lĩnh vực cụ thể.

Từ phong trào thi đua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực. Ông Lê Đình Lâm, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng có thời gian làm công tác mặt trận hơn 20 năm nay. Bản thân ông Lâm là gương điển hình trong làm kinh tế giỏi, luôn giúp đỡ các hộ khó khăn. Bên cạnh đó, ông Lâm, với nhiệm vụ làm công tác mặt trận, đã tiên phong đóng góp để làm đèn điện chiếu sáng và đường giao thông tại thôn.

Ông Lê Đình Lâm, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng trao đổi về các công việc trong bon

Mỗi việc làm và hành động của những tấm gương điển hình đã góp phần truyền lửa để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng, từ đó các tầng lớp Nhân dân đã hỗ trợ giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo. Trong 20 năm, huyện Đắk R'lấp đã thực hiện hỗ trợ trên 100 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; triển khai thực hiện Quỹ Vì người nghèo trên 15 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

tuan.png

Cũng theo ông Phan Anh Tuấn, giá trị truyền thống văn hóa, con người Đắk R’lấp khi được khai thác đúng hướng, hiệu quả, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa Đắk R’lấp phát triển nhanh, bền vững mà còn quảng bá rộng rãi hình ảnh, những bản sắc độc đáo, riêng có của con người và vùng đất nơi đây tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Tag:

File đính kèm