Huyện Tuy Đức có hơn 17.000 hộ, khoảng 66.000 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 43,7%. Tuy Đức là huyện biên giới với xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân nói chung, người đồng bào DTTS ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập của trên 85% hộ dân trên địa bàn huyện chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp.
Bám sát thực tế từng hộ nghèo để hỗ trợ
Trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo và đánh giá thực trạng đời sống, kinh tế, xã hội của các bon đồng bào DTTS và đề xuất của các xã, huyện Tuy Đức đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU tập trung giảm nghèo các bon vùng DTTS. Thực hiện nghị quyết huyện đã chọn 6 bon đồng bào DTTS tại chỗ đặc biệt khó khăn để đầu tư nguồn lực, thực hiện công tác giảm nghèo.
Các bon được chọn có hộ nghèo chiếm số lượng lớn, thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, có nguồn lực để thoát nghèo nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm để tạo thu nhập.
Huyện Tuy Đức đã chọn các hộ nghèo theo từng mức độ, nguyện vọng và tiềm lực của các gia đình để hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Huyện thành lập các đoàn công tác đến từng hộ dân nắm bắt nhu cầu để có sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể, hiệu quả.
|
|
|
Gia đình chị Thị Duyên, ở bon Bu Boong, xã Đắk Búk So có đất trồng 1ha cà phê. Khi cà phê chưa có nguồn thu nhập, huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ bò để chị chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập hằng năm theo nguyện vọng của gia đình.
Chị Thị Duyên tâm sự: "Từ nuôi bò tôi đã có vốn đề chăm sóc vườn cà phê. Đến nay, vườn cà phê đã cho thu nhập gần 2 tấn nhân. Tôi đang nỗ lực để thoát nghèo trong thời gian tới".
Ông K’Hùng ở bon Bu Boong, xã Đắk Búk So có đất nhưng không có kiến thức và vốn để phát triển kinh tế. Nắm bắt khó khăn của gia đình ông K'Hùng, chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực hỗ trợ gia đình ông 500 cây cà phê giống, cử cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ gia đình ông kiến thức chăm sóc cà phê từ khi xuống giống cho tới thu hoạch.
Còn gia đình ông Điểu Hùng, ở xã Đắk Búk So có 1ha cà phê xen mắc ca. Cà phê đã bắt đầu cho thu chính, mắc ca đã trồng năm thứ 3. Gia đình đã bắt đầu có nguồn thu nhập. Nguyện vọng của gia đình ông Hùng là có được căn nhà kiên cố để ổn định cuộc sống.
Sau khi nắm bắt nguyện vọng của gia đình và đánh giá tính khả thi, huyện Tuy Đức đã huy động các nguồn lực hỗ trợ gia đình ông Hùng xây dựng căn nhà mới. Căn nhà rộng 60m2, nền lát gạch hoa, tường xây, mái lợp tôn… với tổng kinh phí xây dựng 140 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức cho biết, mỗi hộ nghèo một hoàn cảnh, một điều kiện kinh tế khác nhau. Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng và điều kiện của từng hộ, các xã đã đề xuất và có các hình thức hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất. Việc hỗ trợ đã từng bước tạo nguồn thu nhập cho người dân, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS tại chỗ từng bước nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Bà Phượng phân tích, việc chọn lựa 6 bon đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn giúp huyện tập trung nguồn lực vào những khu vực có nhu cầu cấp thiết nhất. Sự ưu tiên này giúp địa phương tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể của từng hộ nghèo, tạo đà để giúp hộ nghèo vươn lên.
Cùng với sự hỗ trợ về mặt vật chất, việc hỗ trợ về kiến thức và kỹ thuật cũng được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm để giúp người dân tạo ra giá trị từ sản xuất nông nghiệp. Các mô hình hỗ trợ tích hợp nhiều nguồn lực từ cấp tỉnh đến địa phương, tạo ra sự hỗ trợ toàn diện và đa chiều.
|
|
|
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo
Tổng kinh phí thực hiện công tác giảm nghèo 6 bon đồng bào DTTS huyện Tuy Đức từ năm 2021 - 2023 gần 346,9 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 4,5 tỷ đồng cho 248 hộ thực hiện 11 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ vốn vay hơn 122,6 tỷ đồng cho 6 bon để phát triển kinh tế...
Kết quả giảm nghèo 6 bon đồng bào DTTS tại chỗ đặc biệt khó khăn của huyện cơ bản đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Năm 2023, huyện đã có 330 hộ đồng bào DTTS ở 6 bon thoát nghèo. Cụ thể, bon Đắk N’Jút, xã Quảng Tân giảm 34 hộ; bon Bu Kóh, xã Đắk R’tíh giảm 73 hộ; bon Bu N'Đơr, xã Quảng Tâm giảm 65 hộ; bon Bu Boong, xã Đắk Búk So, giảm 13 hộ; bon Bu Sóp, xã Quảng Trực giảm 83 hộ; bon Phi Lơ Te, xã Đắk Ngo giảm 62 hộ.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức đánh giá, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy Tuy Đức đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn giảm nghèo hiệu quả và bền vững trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ.
Quá trình tổ chức thực hiện đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về tư duy, nhận thức cũng như khơi dậy ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, người nghèo đồng bào DTTS tại chỗ.
Các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nâng cao năng lực cho hộ nghèo từng bước phát huy hiệu quả.
Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Tuy Đức giảm 1.493 hộ chiếm 12%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chung giảm 883 hộ, chiếm 16,45% và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm 421 hộ chiếm 16,17% so với năm 2022.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huyện vận động, khuyến khích các gia đình làm kinh tế giỏi, có uy tín trong cộng đồng giúp đỡ các hộ nghèo tạo sinh kế, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, huyện tiếp tục lồng ghép các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo tại các bon đồng bào DTTS, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân.