Phriđơrich Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 trong một gia đình chủ xưởng dệt ở thành phố Barơmen, vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức). Xuất thân từ một gia đình tư sản, nhưng Ph. Ăngghen đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và là người bạn, người đồng chí gần gũi nhất của Các Mác, đã cùng Các Mác xây dựng nên chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Trong nhiều thập kỷ, Ph. Ăngghen ra sức nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, mà trước hết và trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp. Quá trình nghiên cứu lý luận luôn gắn chặt với thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Từ đó, ông đã cùng với Mác xây dựng nên một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Cái đặc sắc nhất là hai ông đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng lý luận giá trị thặng dư chỉ ra các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Đây chính là vũ khí tư tưởng cho giai cấp công nhân; là những trụ cột của cả một hệ thống đồ sộ.
Rất nhiều tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác là do Mác và Ăngghen cùng viết. Tiêu biểu nhất là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Nhiều công trình nghiên cứu của Ăngghen là sự phát triển những tư tưởng hình thành trong quá trình trao đổi thường xuyên với C. Mác. Về phía mình, nhiều tác phẩm của C. Mác được viết với những ý tưởng và kiến thức của Ăngghen. Lênin cho rằng: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”. Ăngghen còn sát cánh cùng C. Mác trong truyền bá tư tưởng cách mạng, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành lãnh tụ của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước châu Âu ở nửa cuối thế kỷ XIX. Lênin kết luận: “Sau bạn ông là Các Mác, Ph. Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”.
Toàn bộ học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và đồ sộ, giải đáp được nhiều vấn đề mà nhân loại đặt ra. Kế thừa những trào lưu tư tưởng tốt đẹp nhất của loài người đến thế kỷ XIX (triết học Đức, kinh tế chính trị Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp) và tổng kết thực tiễn trong thời đại mình, Ph.Ăngghen cùng C.Mác đã sáng tạo ra một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác, trong đó tính khoa học thống nhất với tính cách mạng triệt để. Ngoài việc Ph.Ăngghen góp công trong việc xây dựng học thuyết giá trị thặng dư; góp phần làm cho chủ nghĩa Mác luôn có giá trị khoa học và cách mạng thông qua việc phản biện, xem xét lại quan điểm, học thuyết của mình thông qua nghiên cứu và tổng kết thực tiễn; và khẳng định: chân lý bao giờ cũng cụ thể và cách mạng là sáng tạo; Ph.Ăngghen còn góp phần tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng. Ph.Ăngghen và C.Mác đã bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, mở ra một bước ngoặt căn bản trong triết học, cung cấp cho loài người một cách nhìn mới mẻ, một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới. Các ông chỉ ra rằng, lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân phải tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng mang đến cho giai cấp công nhân vũ khí lý luận đấu tranh sắc bén, bản thân Ph.Ăngghen còn dành nhiều tâm sức để hoạt động thực tiễn và có đóng góp không nhỏ vào hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nỗ lực của C.Mác và Ăngghen đã góp phần đưa đến việc cải tổ Ðồng minh những người chính nghĩa thành Liên đoàn những người cộng sản vào năm 1847. Ðây là tổ chức công nhân quốc tế đầu tiên lấy chủ nghĩa Mác làm ngọn cờ tư tưởng, chính thức mở ra giai đoạn chủ nghĩa Mác thâm nhập vào phong trào công nhân. Ph.Ăngghen đã tích cực tham gia Hội liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) do C.Mác sáng lập, tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa xã hội khoa học, lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế, đấu tranh khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa xã hội không tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, phản động trong phong trào công nhân.
Sau khi C.Mác mất, trước yêu cầu mới, năm 1889, Ph.Ăngghen tham gia sáng lập và lãnh đạo Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Quốc tế II), nhờ đó đã khôi phục tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân sau khi Quốc tế I giải thể vào năm 1876, tiếp tục giương cao ngọn cờ đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ này, với vốn kiến thức uyên bác, với kinh nghiệm phong phú và uy tín của mình, Ph.Ăngghen tiếp tục là người chỉ dẫn, cố vấn tin cậy cho những người xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước châu Âu, kể cả những người cách mạng ở Nga.
Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi và những đóng góp cực kỳ xuất sắc cả về tư tưởng, lý luận và hoạt động thực tiễn nhằm thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Ph.Ăngghen đã được tôn vinh là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. V.I.Lênin đã nói: Ph.Ăngghen là "Bó đuốc sáng ngời" trong những trí tuệ anh minh, "là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh".
Đánh giá công lao to lớn của Ph.Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, V.I.Lê-nin viết: “Sau bạn ông là C.Mác, Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác và Ph.Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ”.
Lịch sử phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cho thấy, những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là “vũ khí lý luận” sắc bén để giai cấp vô sản từng bước bước lên vũ đài chính trị và khẳng định sứ mệnh lịch sử của mình. Những lý luận mà lãnh tụ vĩ đại nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới để lại vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng ta nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.