Sáng ngày 29/5/2024, tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị chuyên đề về rà soát quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trì Hội nghị: đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Võ Tấn Đức, UVTV, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Cao Văn Quang, UVTV, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đồng chí Hoàng Thị Bích Hằng, TUV, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; cùng tham dự có bí thư, chủ tịch các huyện, thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Nai sử dụng trong việc hoạch định chính sách và quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; là cơ sở để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh thực hiện các đột phá phát triển; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.
Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Quyết định số 370/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mục tiêu đưa vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á. Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng và không gian phát triển mới của quốc gia, của Vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ không gian phát triển trên địa bàn vùng, gồm: phát triển 03 tiểu vùng, phát triển vùng động lực và phát triển các hành lang kinh tế. Theo đó: (1) Đối với Tiểu vùng trung tâm (Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai): Đồng Nai được định hướng trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia; phát triển các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; (2) Đối với phát triển vùng động lực: Đồng Nai được xác định là một trong 04 tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu hình thành phát triển vùng động lực phía nam dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á (cũng là vùng động lực quốc gia); (3) đối với phát triển các hành lang kinh tế, trong 6 tuyến hành lang kinh tế vùng, Đồng Nai nằm trên 02 tuyến hàng lang, gồm: (i) Hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ (từ Đồng Nai đến Thành phố Hồ Chí Minh); (ii) Hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu.
Ngoài định hướng phát triển nêu trên, Đồng Nai cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương được quy hoạch phát triển hành lang kết nối vùng dọc theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai với dịnh hướng trở thành hành lang xanh - sinh thái phục vụ kết nối không gian đô thị và phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch liên tỉnh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan. Quy hoạch vùng định hướng Đồng Nai: (1) Nằm trong liên kết cụm đô thị khu vực phía Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam tỉnh Bình Dương, phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai hỗ trợ các chức năng công nghiệp, dịch vụ cho khu vực trung tâm vùng và đặc biệt vai trò của Đồng Nai được xác định rất rõ trong liên kết vùng với định hướng xây dựng đô thị sân bay Long Thành là đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, liên kết với các đô thị Nhơn Trạch, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu thành cụm đô thị cửa ngõ của vùng và quốc gia kết nối quốc tế thông qua các cảng hàng không, cảng biển trung chuyển quốc tế. (2) phát triển ở 02 đô thị Biên Hoà và Nhơn Trạch và (3) phát triển các khu chức năng (khu công nghiệp công nghệ cao, các khu du lịch trên địa bàn vùng gắn với các sản phẩm du lịch…) và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Bên cạnh đó, trong mối tương quan với vùng Đồng Nai có Vườn Quốc gia Cát Tiên được định hướng nghiên cứu xây dựng hành lang đa dạng sinh học Cát Tiên (Đồng Nai) - Cát Lộc (Lâm Đồng) để kết nối các vùng sinh thái tự nhiên nhằm mở rộng sinh cảnh sống của các loài sinh vật; Nghiên cứu thành lập mới; 04 vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia tại khu vực Bắc Đồng Nai (Đồng Nai), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), hồ Thác Mơ và hồ Phước Hòa (Bình Phước). Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho Đồng Nai trong phát triển kết cấu hạ tầng ngành, lĩnh vực cấp Vùng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp năng lượng, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai; cấp, thoát nước; hạ tầng thông tin truyền thông; hạ tầng xã hội cấp vùng, như:
- Về phát triển mạng lưới giao thông, vai trò và nhiệm vụ của Đồng Nai thể hiện rõ trong phát triển (1) Đường bộ (Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu; mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Hoàn thành khép kín đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh); (2) Đường sắt (Xây dựng các tuyến đường sắt kết nối cảng biển Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành); (3) Cảng hàng không (Đến năm 2030, Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Đưa cảng hàng không Biên Hòa vào khai thác lưỡng dụng và đến năm 2050: Hoàn thành xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành với công suất 100 triệu hành khách/năm. Tiếp tục nâng công suất phục vụ của các cảng hàng không Biên Hòa).
- Xây dựng kho nhiên liệu bay đầu nguồn tại khu vực Gò Dầu (Đồng Nai) và tuyến ống nối với kho nhiên liệu bay của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
- Xây dựng hệ thống thủy lợi tiếp nhận nước từ hồ La Ngà 3 (tỉnh Bình Thuận) chuyển qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; xây dựng và nâng cấp các tuyến đê ven sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ Đông.
- Hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu với các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo.
- Đồng Nai là một trong những địa phương được định hướng đến năm 2030: (i) nằm trong khu vực có 02 - 03 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; (ii) tiếp tục được duy trì, phát triển, nâng cao năng lực và bảo đảm hiệu quả hoạt động bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện trung ương tại thành phố Biên Hoà; (iii) phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo; hình thành trung tâm triển lãm tại và phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng.
Quy hoạch vùng định hướng trọng tâm: bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên hiện có; phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, ...; Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp góp phần bảo đảm an ninh môi trường, nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường hợp tác giữa các địa phương và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai triển khai các giải pháp tăng cường vai trò điều phối, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước mặt; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các địa phương ở khu vực thượng nguồn và hạ nguồn trong công tác xử lý nước thải.
Quy hoạch vùng xác định: (1) Nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước cho các hồ chứa lớn như Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Dầu Tiếng, Phước Hòa; (2) Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nước giữa các vùng trong lưu vực sông Đồng Nai như Phước Hòa sang Dầu Tiếng, Dầu Tiếng sang Vàm Cỏ; xem xét hài hòa lợi ích giữa kinh tế và an sinh xã hội của vấn đề chuyển nước trên lưu vực; (3) Ưu tiên phục hồi, bảo vệ nguồn nước là các sông nhánh phía hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Bảo vệ miền cấp của nước dưới đất, đặc biệt các vùng lộ của các tầng chứa nước thuộc khu vực Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai; (4) Duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông đảm bảo giao thông thủy, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là khu vực vườn quốc gia Cát Tiên. Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi và bảo vệ hành lang thoát lũ của sông, đặc biệt là việc lấn, chiếm lòng, bờ bãi sông ở khu vực đô thị .
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng việc lập quy hoạch tỉnh phải đảm bảo phù hợp, thống nhất và đồng bộ với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ; phải theo đúng định hướng, quan điểm của quy hoạch Vùng. Quy hoạch tỉnh Đồng Nai phải phát huy được vai trò, vị thế của tỉnh Đồng Nai luôn là một trong những địa phương phát triển năng động của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước, đảm bảo cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong Tỉnh và giữa tỉnh Đồng Nai với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ; nhận diện chính xác nhất vai trò của Đồng Nai trong quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, trong liên kết vùng để xây dựng chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai. Do đó, đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục rà soát, nghiên cứu sự phù hợp, đồng bộ giữa các quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt với Quy hoạch tỉnh, tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch làm cơ sở thu hút đầu tư, nhất là các chỉ tiêu của quy hoạch tỉnh không để thấp hơn quy hoạch của Vùng. Nghiên cứu phát triển Thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) là đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm logistics phía Đông của Vùng; trung tâm cấp vùng về dịch vụ đa lĩnh vực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thương mại - tài chính, du lịch, thể dục thể thao; phát triển đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) là trung tâm công nghiệp sạch, dịch vụ logistics, trung tâm giải trí và du lịch cảnh quan sinh thái. Xây dựng đô thị sân bay Long Thành là đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế với các chức năng đô thị, dịch vụ, công nghiệp tiêu chuẩn cao; khai thác lợi thế của cảng hàng không trung chuyển quốc tế để tạo động lực phát triển mới. Xác định phía Tây Nam của tỉnh Đồng Nai tập trung phát triển công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề điện Điện tử, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo, công nghiệp cơ khí sản xuất và lắp ráp ôtô, công nghiệp hóa dược, sản xuất thuốc nhằm tạo giá trị gia tăng cao. Về nông nghiệp chủ yếu tập trung tại những huyện/thành phố Định Quán, Long Khánh, Xuân Lộc, 1 phần huyện Cẩm Mỹ và 1 phần huyện Vĩnh Cửu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và hữu cơ; hạn chế trồng các loại cây cao su, điều, hồ tiêu, chăn nuôi tập trung. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối của tỉnh do Đồng Nai xem là trung tâm giao thông của Vùng, kết nối với các tỉnh xung quanh, có ý nghĩa chiến lược với với vùng do toàn Vùng sẽ hướng về 2 tâm mới là sân bay quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép. Các huyện, thành phố có sông và rừng cần phải chú ý quy hoạch những vùng này xứng tầm, mang lại giá trị cho địa phương, bảo vệ nguồn nước và môi trường, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành hành lang xanh, sinh thái của Vùng.
Vân Anh