Sign In

Đồng Nai quyết tâm phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số

21:03 08/12/2024


Với nỗ lực cao độ, cán bộ, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã vực dậy hiệu quả kinh tế Đồng Nai với mức tăng trưởng khá cao năm 2024. Trên nền tảng thành công này, tỉnh sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng “2 con số” cho năm 2025 và thời gian tới.

Đồng Nai phấn đấu năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Nai phải đạt 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, từ năm 2025, phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu GRDP của tỉnh tăng khoảng 12,4%/năm, để tạo đà khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh phải có tư duy đổi mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “tăng tốc, bứt phá”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, đề xuất loạt giải pháp trọng tâm tạo “cú hích” tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu “2 con số” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kinh tế tăng trưởng cao, toàn diện
Theo Cục thống kê Đồng Nai, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt hơn 260.200 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu ban đầu xác định cho cả năm nay là từ 6,5-7% và cao hơn đáng kể so với mức tăng 5,41% của năm trước.

Tất cả 5 chỉ tiêu kinh tế đều vượt mục tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đề ra năm 2024, gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và thu ngân sách nhà nước.

Đi sâu kết quả tăng trưởng cho thấy, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,53%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,5%; dịch vụ tăng 5,5%; thuế sản phẩm tăng 7,07%. Đáng chú ý trong số này, ngành xây dựng tăng khá 17%, do các dự án lớn như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và các dự án điện Nhơn Trạch 3, 4 đang được triển khai thi công.

Những nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh thời gian gần đây tiếp tục thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng, với nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,4%; công nghiệp và xây dựng chiếm 58,0%; dịch vụ 24,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7,9%.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ở địa bàn thủ phủ công nghiệp của cả nước tăng khá ở các ngành trọng điểm, với mức tăng chung 8,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh mức tăng chủ yếu đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm 90% cơ cấu toàn ngành công nghiệp, một số ngành chủ lực khác có chỉ số sản xuất tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm; thuốc lá; dệt; may mặc; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; hóa chất; thuốc, hóa dược và dược liệu; giường,tủ, bàn, ghế. Nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới, số lượng gia tăng mạnh những tháng cuối năm.

Về sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình trồng trọt hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân xây dựng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu.

Nhờ chủ động triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, được nước nhập khẩu cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng đi thị trường Trung Quốc, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô gần 28 nghìn ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Tỉnh còn xây dựng 3 vùng chăn nuôi tại các huyện Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc đáp ứng điều kiện xuất khẩu; 2 mô hình hợp tác chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ tại huyện Định Quán.

Đối với lĩnh vực dịch vụ, từ chỗ cơ cấu lại các ngành dựa trên nền tảng công nghiệp hiện đại, công nghệ số, hoạt động đã có bước chuyển đáng kể về quy mô và hình thức. Các loại hình dịch vụ vận tải, viễn thông-công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, góp phần tăng thêm giá trị đóng góp của ngành vào cơ cấu tổng giá trị tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tham dự Tuần lễ văn hóa du lịch ẩm thực 2024.


Điểm sáng phải kể đến du lịch Đồng Nai đón 3,4 triệu lượt khách trong năm nay, tăng 26%, đem đến doanh thu 2.400 tỷ đồng, tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tiến bộ thực chất đến từ sự cố gắng chỉ đạo, điều hành của chính quyền trong việc hiện thực hóa nội dung Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy Đồng Nai về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.

Tinh thần tự lực vượt khó, năng động, sáng tạo trong sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo hướng phát triển bền vững, cộng hưởng với thị trường xuất khẩu khởi sắc, nhất là các ngành xuất khẩu nông sản ghi nhận mức tăng trưởng rõ rệt với giá bán hạt điều, cà-phê, hạt tiêu tăng mạnh do nhu cầu cao từ các thị trường lớn như Mỹ và EU, đã đưa kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai năm 2024 ước đạt hơn 23,4 tỷ USD, tăng 8,5% so cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 16,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Qua đó, xuất siêu khoảng 6,7 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay.

Kinh tế tăng trưởng mạnh là tiền đề trực tiếp để hoạt động thu ngân sách nhà nước bớt căng thẳng hơn và không quá vất vả “chạy nước rút” cuối năm như trước đây. Thông qua hàng loạt giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm, tỉnh Đồng Nai nhiều khả năng sớm cán đích vượt số thu theo mức dự toán Trung ương giao.

Dự ước tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 58.625 tỷ đồng, đạt 104% dự toán, bằng 101% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa khoảng 40.125 tỷ đồng, đạt 105% so với dự toán và bằng 99% cùng kỳ; thu lĩnh vực xuất nhập khẩu khoảng 18.500 tỷ đồng, đạt 104% dự toán và bằng 105% cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh công tác thu ngân sách nhà nước đối với một số nhóm hàng chủ yếu bị giảm, do tác động từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng của Chính phủ và một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu áp mức thuế giảm dẫn đến số thu thuế giảm tương ứng.

Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ở Đồng Nai năm 2024 khoảng 126,6 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết, tăng 15,16% so cùng kỳ. Nguyên nhân do kinh tế có sự phục hồi đáng kể; sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng nhà xưởng và sản xuất kinh doanh, mua sắm tài sản cố định. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục thi công xây dựng các công trình dự án trọng điểm quốc gia hoặc quy mô lớn như: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Điện dầu khí Nhơn Trạch 3 và các dự án nhà ở....

Cùng với tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảng bộ, chính quyền tỉnh ưu tiên nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, ràng buộc các tiêu chí cụ thể, thiết thực đi kèm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 148,9 triệu đồng/người/năm 2024 (tương đương 5.868 USD), vượt mục tiêu Nghị quyết.

Điển hình về thành quả chăm lo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương giữ vững vị thế nhóm đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới là, năm nay dự kiến có thêm 5 xã nông thôn mới nâng cao, 7 xã nông thôn mới kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu nghị quyết) và hoàn thành trình hồ sơ 2 huyện (Định Quán, Thống Nhất) để xét huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lũy kế đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện nông thôn mới nâng cao (Xuân Lộc).

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ.


Quyết tâm chinh phục tăng trưởng hai con số
Vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai đang tăng mạnh trở lại là cơ sở để tỉnh cố gắng chạm đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Thu hút vốn đầu tư trong nước năm 2024 khoảng 130.700 tỷ đồng, gấp 10,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, nâng lũy kế đến ngày 20/11 có số dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực là 1.105, với tổng vốn khoảng 450.900 tỷ đồng.

Thu hút vốn FDI đến ngày 20/11 đạt 1 tỷ 418 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ, tương tự lũy kế đến nay số dự án FDI còn hiệu lực là 1.685 với tổng vốn 35 tỷ 150 triệu USD. Dự án thu hút mới chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, hứa hẹn mang lại giá trị gia tăng cao cho tỉnh thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, nhất quán phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, cộng với việc tập trung triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng các dự án quan trọng cấp quốc gia như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc: Biên Hòa-Vũng Tàu, Bến Lức-Long Thành, Dầu Giây-Tân Phú, tổng chiều dài đi qua địa bàn hơn 280km, đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các dự án giao thông kết nối vùng đang triển khai mạnh mẽ sẽ mang lại nhiều động lực, cơ hội phát triển đột phá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế-xã hội của Đồng Nai.

Để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư nhất là các dự án tầm cỡ quốc tế, tỉnh Đồng Nai đang tăng tốc phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm chủ động kiến tạo không gian phát triển xứng tầm.

Tất cả hướng đến mục tiêu cao nhất là mang lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân. Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2025-2030 hơn 12,4%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 330 triệu đồng (tương đương 14.650 USD).

Thiên Vương
Theo Báo Nhân dân

Tag:

File đính kèm