Sign In

Kỷ niệm 70 năm bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kinh nghiệm xấu và kinh nghiệm tốt” - Bài học sâu sắc đối với cán bộ và đảng viên ngày nay (12/4/1954-12/4/2024)

21:02 08/04/2024
Năm nay, kỷ niệm tròn 70 năm bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kinh nghiệm xấu và kinh nghiệm tốt” (12/4/1954-12/4/2024) có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc và còn giữ mãi tính thời sự sâu sắc đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Trong những ngày tháng 4/1954 cách đây 70 năm, quân dân cả nước nói chung, trên chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng đang chiến đấu quyết liệt, anh dũng đối với quân đội thực dân Pháp với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, để rồi “chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên trang sử vàng” và “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Mặc dù không ngừng phút giây theo dõi sát sao tình hình chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng Bác Hồ kính yêu đã dành thời gian quý báu viết bài: “Kinh nghiệm xấu và kinh nghiệm tốt” nhằm giáo dục về tư tưởng, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), chuẩn bị kiến thiết nước nhà sau thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược (1945-1954).

 Ngày 12/4/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Kinh nghiệm xấu và kinh nghiệm tốt” đăng trên Báo Cứu quốc số 2573 với bút danh Đ.X đã thẳng thắn chỉ ra những “căn bệnh” quan liêu, tham nhũng của một bộ phận CB,ĐV ở cấp cơ sở: “Trong bước đầu kiểm tra việc chỉnh lý thuế nông nghiệp năm 1953, ta đã thấy những kinh nghiệm xấu. Vì cán bộ mắc bệnh quan liêu, hoặc bệnh tự tư, tự lợi và có những khuyết điểm tai hại như: Chỉ ở trung du Việt Bắc đã để lậu 1 vạn 366 mẫu ruộng. Ở tả ngạn có huyện bỏ “quên” 400-500 mẫu không khai. Ở miền núi, nhiều cán bộ ban thuế, đã ẩn lậu, tính đổ đồng, mỗi cán bộ lậu độ 8,0 sào. Số ruộng đất thì giấu bớt, số người thì khai man thêm. Cả hai cách đều để lậu thuế. Như ở Hải Hậu có địa chủ khai man thêm 08 người, ở Thạch Bi có địa chủ khai man thêm 11 người…”[1] làm ảnh hưởng đến các chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh chỉ ra những thói hư, tật xấu của một bộ phận CB,ĐV ở cơ sở có tư tưởng, hành động “tự tư, tự lợi, khai man, chiếm dụng tài sản… của Nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi đối với những CB,ĐV ở cơ sở đã hết lòng, hết sức vì dân, vì nước, luôn xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người dân: “Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Theo đó, Người viết: “Kinh nghiệm tốt - Khi hiểu rõ chính sách, thì Nhân dân rất hăng hái. Chẳng những không khai man, ẩn lậu mà còn thi đua nộp nhanh, nộp đủ, có nơi nộp vượt mức. Ví dụ: Thôn Xuân Liêm, chỉ trong 1,5 tiếng đồng hồ nộp đủ 62 tạ. Rồi đồng bào còn tự động đi gánh giúp các thôn khác. Thôn Liên Đôi chỉ trong 02 tiếng đồng hồ nộp xong 74 tạ. Xã Hải Châu, chỉ trong 01 ngày rưỡi nộp xong 1.150 tạ, vượt mức 32 tạ. Cán bộ lại thanh toán xong nợ Chính phủ mắc của dân, miễn thuế và giảm thuế đúng mức cho dân nghèo. Thành thử thuế thu nhanh chóng, vượt mức, nhân dân lại phấn khởi, vui vẻ, tăng gia sản xuất và hăng hái làm công việc kháng chiến”[2] cùng hướng về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đang diễn ra vô cùng ác liệt của đợt 2 (từ ngày 30/3/1954 đến ngày 26/4/1954), quân ta mở tiến công kéo dài 27 ngày đêm, siết chặt vòng vây lửa, từng bước bóp chết “con nhím” Điện Biên Phủ.

Kết thúc bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Nhân dân ở đâu và lúc nào cũng hăng hái, chính sách của Đảng và Chính phủ bao giờ cũng đúng đắn. Nếu cán bộ tẩy trừ sạch bệnh quan liêu và ích kỷ, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng, thì việc gì to mấy, khó mấy cũng thành công”[3]. Do đó, đối với CB,ĐV giữ gìn nhân cách người cách mạng là điều thiêng liêng, cao quý nên Bác Hồ đã sớm dự báo điều này, “có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”[4]. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, phụ thuộc vào ý chí, nghị lực, quyết tâm của mỗi CB,ĐV tiêu diệt “giặc nội xâm” để bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm nay kỷ niệm tròn 70 năm bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kinh nghiệm xấu và kinh nghiệm tốt” - Bài học sâu sắc đối với CB,ĐV (12/4/1954-12/4/2024). Do đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ vững chắc Đảng Cộng sản Việt Nam, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo một số giải pháp sau.

Trước hết, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng, để mỗi CB,ĐV, người dân hiểu được sự nguy hiểm của tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, là “giặc nội xâm” của dân tộc Việt Nam. Mỗi CB,ĐV, người dân phải thực sự trở thành những chiến sĩ trung kiên trên mặt trận chống “giặc nội xâm” ở mọi lúc, mọi nơi nhằm bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần phải kiên quyết, kiên trì và thận trọng; không được đơn giản, nóng vội, đồng thời phải khẩn trương, tích cực; chú trọng hiệu quả, có kế hoạch cụ thể, bước đi thích hợp, gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách, phải “nhốt” quyền lực trong “lồng” cơ chế [5], để trong Đảng có Cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng; ngoài xã hội có pháp luật Nhà nước với trung tâm là lòng dân và sự tín nhiệm của Nhân dân đối với đội ngũ công chức nhà nước để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”, thấy được danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất.

Thứ ba, thực hiệu hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 07/3/2019 của Chính phủ “về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025” sẽ góp phần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số nhằm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ly sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

Thứ tư, để thắng lợi cuộc chiến chống “giặc nội xâm” cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm [6]. 

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền để Nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận diện rõ và có thái độ đấu tranh với hành vi tham nhũng. Tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, trọng tâm tập trung vận động mỗi người dân kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, có thái độ và hành vi chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng quyền và trách nhiệm được giao; phát huy tinh thần đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, biến chất, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, đảng viên và của cả người dân. 

Thứ sáu, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là một “cao trào”, càng không thể “chững lại”. Bởi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt, cắt bỏ những “ung nhọt” trong nội bộ mình, rất đau xót nhưng vẫn phải tiếp tục làm, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ và phải làm rất bài bản, chắc chắn, vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của Nhân dân [7].  

Thứ bảy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, “chống” là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh, nhưng “xây” mới là cơ bản, lâu dài. Chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn chặt với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược..., hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để không còn những “khoảng trống”, “kẽ hở”, để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng [8].

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị đã đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được những kết quả cụ thể, tệ nạn tham nhũng đã bị đẩy lùi một bước góp phần đưa “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn so với trước nên công tác “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn” [9]. 

Hiện nay, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với các giải pháp quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ của cả hệ thống chính trị “chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí của mình mà rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người”[10]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ: Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước [11]. Do đó, chúng ta tin tưởng rằng công tác phòng, chống “tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của Nhân dân” [12] trong thời gian tới.  

[1], [2], [3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.547; 547; 547-548.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.46, 47

[5] Nguyễn Phú Trọng (2021), Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh hạnh phúc, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.23

[6] Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 11/8/2020 tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ (Truy cập ngày 15/9/2021)

[7], [8], [9] Nguyễn Phú Trọng (2021), Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh hạnh phúc, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.114-115; 115; 450

[10] Nguyễn Phú Trọng (2020), Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tích nước tại Hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, ngày 28-29/12/2020.

[11] Nguyễn Phú Trọng (2021), Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 15/9/2021.

[12] Nguyễn Phú Trọng (2021), Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh hạnh phúc, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.456

Lê Quang Cần

 

 

 

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều