Sign In

Chiến thắng Điện Biên Phủ trong bài “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới” của Tổng Bí thư Lê Duẩn

19:05 06/04/2024
Nhân dịp kỷ niệm Đảng ta tròn 40 tuổi (1970), Tổng Bí thư Lê Duẩn có bài phát biểu “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới” quan trọng, trong đó khẳng định “Trận Điện Biên phủ vĩ đại đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX”.

Cách đây 117 năm, ngày 07/4/1907, Tổng Bí thư Lê Duẩn (tên khai sinh là Lê Văn Nhuận) sinh ra tại làng Bích La Đông, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Xuất thân từ một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, thuộc lớp người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tham gia các hoạt động yêu nước của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên năm 1928, trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930.

Từ năm 1931, Đồng chí hoạt động cách mạng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, bị địch bắt giam ở các nhà lao: Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo. Tại các nhà tù này, Đồng chí cùng nhiều đảng viên cộng sản lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và tổ chức việc học tập chính trị cho anh em tù nhân: “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Sự tàn bạo của kẻ thù đã không khuất phục được Đồng chí; trái lại càng tôi luyện thêm ý chí, rèn đúc thêm trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, làm cho Đồng chí trở thành người lãnh đạo kiên cường, được Nhân dân yêu mến, bạn bè đồng chí cảm phục. Năm 1936, do cuộc đấu tranh của Nhân dân ta có bước phát triển mới và thắng lợi của Mặt trận nhân dân ở Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả lại tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó, có đồng chí Lê Duẩn. Năm 1937-1939, đồng chí Lê Duẩn được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và hoạt động tích cực của Đồng chí góp phần quan trọng dẫn đến cao trào đấu tranh cách mạng sôi nổi trong cả nước. Năm 1939, Đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng chủ trì Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (11/1939), từ đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh chuyển sang đấu tranh nhằm mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay Nhân dân. Năm 1940, Đồng chí lại bị địch bắt ở Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai cho đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến Nam Bộ.

Năm 1946, Đồng chí ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ hai của Đảng tháng 02/1951, Đồng chí được bầu vào BCH Trung ương và Bộ Chính trị. Từ năm 1946-1954, với cương vị là Bí thư xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Trung ương cục miền Nam, Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (02/1951), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Đại hội quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam và chỉ định đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam (Ảnh tư liệu).

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (21/7/1954), Đồng chí được tổ chức phân công ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 10/1954, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ họp ở căn cứ Chắc Băng (Cà Mau), Đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy và đã có những cống hiến quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, góp phần xác định đường lối cách mạng giải phóng miền Nam, gắn bó mật thiết với cơ sở. Từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh tại chiến trường miền Nam, năm 1956, Đồng chí đã hoàn thành văn kiện quan trọng “Đề cương cách mạng miền Nam”. Đề cương ra đời đã góp phần hướng dẫn cán bộ, Nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn đấu tạo ra phong trào Đồng khởi mạnh mẽ của Nhân dân miền Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn (đầu tiên bên trái) tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, Hà Nội ngày 3/9/1960 (Ảnh tư liệu).

 

Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III, thay mặt BCH Trung ương Đảng, Đồng chí đã đọc báo cáo chính trị, trong đó, nêu ra hai chiến lược cách mạng: “Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, kết hợp cách mạng hai miền nhằm thực hiện mục tiêu chung hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà”. Tại Đại hội này, Đồng chí tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất. Trong Suốt 15 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất, những tư tưởng chỉ đạo của Đồng chí góp phần quan trọng để Đảng ta tìm ra giải pháp tối ưu đưa cách mạng miền Nam tiến lên một cách vững chắc, từ đó, tiến lên giành thế chủ động tiến công, lần lượt đánh bại các bước leo thang, các chiến lược chiến tranh của địch, tạo ra những bước ngoặc làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, đập tan ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuối cùng, kịp thời nắm lấy thời cơ lịch sử, mở những trận quyết chiến chiến lược, đánh nhanh, thắng gọn, kết thúc chiến tranh theo ý định của ta, giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt này, nhân dịp kỷ niệm Đảng ta tròn 40 tuổi (1970), Tổng Bí thư Lê Duẩn có bài phát biểu “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới” quan trọng, trong đó khẳng định “Trận Điện Biên phủ vĩ đại đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX”. Dựa trên cơ sở nào để Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định được điều đó?.

Để có được chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, như trong bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu đã đúc kết Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, chúng ta cùng lật mở những trang vàng lịch sử của dân tộc, để thấy được thiên sử vàng hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược và cai trị nước ta vào năm 1858. Sau gần 100 năm bị áp bức, đô hộ của thực dân đế quốc, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ - Nơi được xem là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”. Thực dân Pháp được sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ đã xây dựng Điện Biên Phủ thành “tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dươnggồm hệ thống công sự, boogke, hầm hào, hệ thống pháo binh… ở cả mặt đất và trên không nhằm “nghiền nát” chủ lực của ta. Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có lòng chảo Mường Thanh dài gần 18 km, rộng từ 6,0-7,0 km, có vị trí chiến lược quan trọng, then chốt bậc nhất Đông Dương, nằm gần biên giới Việt - Lào, trên một đầu mối giao thông quan trọng, có đường đi sang Lào. Bộ Chỉ huy quân Pháp tính rằng với việc chiếm giữ vị trí chiến lược then chốt Điện Biên Phủ, sẽ có điều kiện để mở rộng chiếm giữ cả vùng Tây Bắc và Thượng Lào, đồng thời, buộc ta phải chấp nhận một trận công kiên lớn mà ưu thế thuộc về Pháp với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn hẳn ta. Đế quốc Mỹ còn tính xa hơn, Điện Biên Phủ là một căn cứ lục quân, không quân lợi hại, có thể phục vụ cho mưu đồ xâm lược của Mỹ ở Đông Nam Á sau này, vì thế cần phải giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào. Cả Pháp và Mỹ đều cho rằng: Với lực lượng mạnh, được tổ chức phòng ngự vững chắc, được chi viện bằng không quân, Điện Biên Phủ sẽ trở thành nơi thu hút, gây tổn thất lớn cho quân chủ lực Việt Nam, đồng bằng Bắc Bộ sẽ không bị uy hiếp, lực lượng cơ động của Pháp sẽ có thời cơ bình định đồng bằng và mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn vào vùng căn cứ kháng chiến, làm thay đổi so sánh lực lượng và thế chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương. Navarre và giới quân sự Pháp, Mỹ tính toán rằng, mặc dù Điện Biên Phủ ở giữa vùng rừng núi xa xôi, việc tiếp tế sẽ khó khăn, nhưng vấn đề tiếp tế hậu cần của quân Pháp ở Điện Biên Phủ có thể khắc phục được nhờ sự chi viện bằng đường không của Pháp và Mỹ. Trái lại, về phía Việt Nam, từ trung tâm hậu phương kháng chiến đến Điện Biên Phủ gần 500km đường mòn luồn rừng, leo núi, việc vận tải tiếp tế chủ yếu bằng gánh bộ sẽ khó khăn gấp bội, không thể giải quyết được nhu cầu hậu cần của hàng vạn quân. Cân nhắc thuận lợi, khó khăn của hai bên, phần thắng chắc chắn thuộc về phía Pháp.

Từ tính toán đó, Navarre quyết định rút quân từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, đồng thời, tăng viện, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm 21 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải và một phi đội không quân thường trực 14 máy bay, tổng quân số lên tới 16.200 quân tinh nhuệ, thiện chiến và trang bị vũ khí hiện đại. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm: 02 sân bay, chia thành 03 phân khu, bố trí 49 cứ điểm, tổ chức thành tám cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai kiên cố và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào. Chiến trường Điện Biên Phủ, từ chỗ không có kế hoạch Nava, nhưng trước các đòn tiến công của ta buộc thực dân Pháp phải huy động một lực lượng lớn binh lực để tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ coi Điện Biên Phủ là “một pháo đài bất khả xâm phạm”, là trung tâm của kế hoạch Nava, đẩy chiến tranh Đông Dương đến đỉnh điểm, là nơi quyết chiến chiến lược với ta, cuộc đụng đầu Đông - Tây” chính thức bắt đầu.

Lúc 17 giờ 30 phút, ngày 07/5/1954, bộ đội Việt Nam giương cao lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của tướng De Castries, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (Ảnh tư liệu).

 

Đúng 13 giờ, ngày 13/3/1954, Đại tướng ra lệnh cho quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ và chiến dịch diễn ra trong 03 đợt, đợt 1 từ 13-17/3/1954, đợt 2 từ 30/3-24/4/1954 và đợt 3 từ 01-07/5/1954. Đến 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trải qua 03 đợt chiến đấu ác liệt, dân tộc Việt Nam đã viết nên thiên anh hùng ca chiến thắng, Điện Biên Phủ trở thành sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là một trong những thắng lợi to lớn nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, “được ghi vào lịch sử Việt Nam như một trong những chiến công chói lọi nhất, một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Được ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách đột phá thành trì của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa nô dịch thuộc địa”. Tên gọi “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp” ngân vang trên vũ đài chính trị thế giới, trở thành hồi chuông báo tử, mở đầu cho quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, tác động và cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập.

Điện Biên Phủ không chỉ là minh chứng cho cuộc đọ sức giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa lực lượng hùng hậu và tối tân lúc đó của thực dân Pháp với quân dân Việt Nam có binh lực, quân trang quân dụng thiếu và yếu, mà quan trọng hơn là ý nghĩa và giá trị lịch sử của chiến thắng. Chiến thắng Bạch Đằng (1288) của quân dân nhà Trần, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, một kẻ thù mạnh và tàn bạo nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Đại Việt. Chiến thắng Chi Lăng (1427) của quân dân nhà Lê, với tuyên bố hùng hồn của “Bình Ngô đại cáo” đã đánh bại hoàn toàn quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Còn chiến thắng Đống Đa (1789) lại là bản cáo chung cho quân xâm lược nhà Thanh. Đại quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ đã quét sạch quân xâm lược từ đằng trong ra đằng ngoài, nhất thống Bắc - Nam. Mỗi chiến thắng đều là bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đánh bại hoàn toàn một kẻ thù xuân lược, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. Vì thế, chiến thắng Điện Biên Phủ sau 09 năm ròng rã quân dân “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, đã chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX và “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. So sánh Điện Biên Phủ với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa không chỉ về ý nghĩa lịch sử, giá trị độc lập, tự do mang lại cho dân tộc từ chiến thắng mà còn bởi quy mô, hào khí và việc vận dụng tài tình chiến lược quân sự lấy dân là gốc, sau nay gọi là chiến tranh nhân dân. Từ tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương đến nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi, từ nghĩa quân Tây Sơn của Quang Trung đến bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sau này… đều từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ, chiến đấu.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một cuộc kháng chiến được thực hiện ngay sau khi đất nước vừa giành độc lập, vị thế chính trị chưa vững chắc, ngân khố cạn kiệt, Nhân dân đói khổ, lực lượng vũ trang nhỏ yếu, giặc đói, giặc dốt bủa vây. Vì thế, Đảng ta, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, kết hợp lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng cách mạng với lực lượng vũ trang, tạo nên “vành hoa đỏ, thiên sử vàng” cho Việt Nam ở thế kỷ XX từ chiến thắng Điện Biên phủ thần kỳ.

Đặt chiến thắng Điện Biên Phủ vào bối cảnh nước ta những năm sau Cách mạng tháng Tám, Nhân dân cả nước đều đói khổ, thiếu thốn, chính quyền non trẻ, nền độc lập mong manh, trong tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợ tóc” và chưa được bao lâu thì cả nước lại phải bước vào một cuộc kháng chiến gian khổ trường kỳ. Nhưng vẫn phương châm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tài lược quân sự biến hóa, cùng nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã huy động sức mạnh vật chất lẫn tinh thần từ trong dân để chiến thắng giặc Pháp. Binh lực mỏng thì kêu gọi xung phong nhập ngũ và tăng cường huấn luyện; lương thực quân dụng thiếu thì vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tích trữ đóng góp; phương tiện vận chuyển và giao thông khó khăn thì đề ra giải pháp gùi thồ; lực lượng phục vụ yếu thì kêu gọi thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến… Đúng như tinh thần "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ ngưới già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” (Chủ tịch Hồ Chí Minh)… Vũ khí như thế, lực lượng được huy động như thế thì lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến cũng theo cách đó mà gom góp tập kết để tiếp viện lên Tây Bắc, tất cả vì tiền tuyến. Quan trọng hơn chính là ý chí, là sức mạnh tinh thần trong toàn quân, toàn dân, cả nước dồn sức cho Điện Biên phủ. 

Đến tận hôm nay, sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thế giới và các thế hệ người dân Việt Nam vẫn không ngừng phân tích, lý giải vì sao: một đất nước nhỏ bé lại có thể đánh thắng một kẻ thù xâm lược hung hãn của thế giới lúc bấy giờ. Vì sao lực lượng chiến đấu bộ đội dân quân chân đất, áo vải đơn sơ lại chiến thắng đội quân tinh nhuệ được trang bị khí tài đạn dược tối tân, vì sao những chiếc xe đạp thồ lại chiến thắng cả xe vận tải, máy bay trực thăng, vì sao những khẩu pháo được kéo lên núi cao, vực sâu bằng sức người lại chiến thắng cả xe tăng bọc thép, và vì sao lại có những cảm tử quân lấy thân mình lấp lỗ châu mai và làm giá súng? Rất nhiều câu hỏi vì sao? Nhưng đó chính là bản năng phản kháng của những người dân yêu chuộng hòa bình, tự do, không muốn tiếp tục chịu áp bức bóc lột, là sự phản đối sinh động nhất của chính nghĩa đối với phi nghĩa. Và bởi đó là tình yêu nước, tinh thần dân tộc cao cả. Kỳ tích Điện Biên phủ được dệt nên từ những kỳ tích anh hùng cá nhân. Đó là những con người bình dị, nhỏ bé trong Nhân dân. Là “những đồng chí chèn lưng cứu pháo, nát thân nhắm mắt, còn ôm”, là ”những bàn tay xẻ núi lăn bom, nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”… và đó không chỉ là bộ đội chủ lực, những chiến sĩ được huấn luyện chiến đấu mà còn là những thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến “chị gánh, anh thồ… anh hò, chị hát”, là những em bé thiếu niên nhi đồng ý thức giữ làng, giữ bản và dòng máu anh hùng luôn chảy trong huyết quản… Đó cũng chính là kỳ tích, là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân. Điện Biên phủ là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân, “lừng lẫy năm châu” không chỉ vì chiến thắng oanh liệt trên chiến trường, của những cuộc đối đầu tưởng như không cân sức giữa một bên đế quốc hùng mạnh với trang bị vũ khí hiện đại và một bên là lực lượng quân dân một nước nhỏ yếu, càng không chỉ “chấn động địa cầu” bởi chiến thắng quân sự, ngoại giao với việc chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp trên đất Việt Nam và Hiệp định Genève được kí kết (21/7/1954), mà quan trọng hơn còn vì những kỳ tích được tạo nên bởi những con người bình dị, nhưng lại có những hành động việc làm quả cảm kiên trung - những anh hùng từ nhân dân và được sinh ra trong suốt hành trình trăm ngã đổ về Điện Biên phủ. 

Bài phát biểu “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới” của Tổng Bí thư Lê Duẩn có sức mạnh cổ vũ to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giữ vững niềm tin tất thắng trong những tháng năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go nhất, ác liệt nhất với việc đế quốc Mỹ và đồng minh mở rộng quy mô chiến tranh ra toàn Đông Dương. Bài phát biểu có giá trị lịch sử, cổ vũ Nhân dân ta đoàn kết đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh Bác Hồ kính yêu vừa qua đời, thôi thúc lớp lớp cha anh lên đường, chiến đấu với tinh thần “thà sinh sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội 1968 (Ảnh tư liệu)

Có thể khẳng định rằng: Hơn nửa thế kỷ hoạt động liên tục không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu, một tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản. Đó là lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Nhân dân, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, là ý chí cách mạng triệt để, tiến công không ngừng vì lý tưởng cộng sản. Đó là tầm cao trí tuệ, tài năng tổ chức, phương pháp cách mạng khoa học, sáng tạo, đức tính ham học hỏi, luôn chan hòa, gần gũi đồng bào, đồng chí; là nghị lực kiên cường, một dạ kiên trung, một niềm tin tất thắng vào tiền đồ đất nước và dân tộc kể cả lúc gian nan, thử thách khốc liệt.

Đồng chí Lê Duẩn - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của Nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Kỷ niệm 117 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị BCHTW lần thứ Tư (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Đây là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Tên tuổi và sự nghiệp của Đồng chí mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX và là tấm gương sáng, vĩ đại cho các lớp con cháu hôm nay và mai sau noi theo. Suy ngẫm lại chặng đường đấu tranh vẻ vang không mệt mỏi của Đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trân quý những tình cảm của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với Điện Biên Phủ và phong trào cách mạng miền Nam, cũng như cả nước. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện đoàn kết một lòng, nhất trí, tranh thủ thời cơ, vượt lên khó khăn, thách thức, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Lê Sơn

Tag:

File đính kèm