Sign In

Ký ức không thể nào quên

14:36 24/04/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Đồng Nai hiện còn 150 cựu chiến binh (CCB) đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó, đông nhất là thành phố Biên Hòa 58 đồng chí, huyện Tân Phú 26 và thành phố Long Khánh 20, huyện Thống Nhất chỉ có 01 và huyện Nhơn Trạch không còn người nào.


70 năm trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên trẻ nhất bây giờ, cũng xấp xỉ 90 tuổi, bác Nguyễn Văn Phả ngụ khu phố 2, phường Tân Biên và bác Phan Văn Tý ở phường Tân vạn (thành phố Biên Hòa) sinh những năm 1921-1922, nghĩa là đã 102 và 103 tuổi. Những chiến sĩ nữ có bác Lê Thị Lợi ở phường An Bình (thành phố Biên Hòa) sinh năm 1928 hay Nguyễn Thị Nhàn phường Xuân Lập (thành phố Long Khánh) sinh năm 1929, tức là cũng đã 95 - 96 tuổi đời. Nghĩa là không ít các ông, các bác nay đã chân yếu, mắt mờ, tai lãng không thể nói được về những năm tháng không thể nào quên. Nhưng, như bác Đinh Thái Báu (1930), ở ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc), tuy không nói được nhưng khi chúng tôi đến thăm Bác với tư cách chiến sĩ Điện Biên, hai hàng nước mắt chảy dài, nhớ ơn và tiếc thương Anh hùng Phan Đình Giót, người đã hy sinh, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, bịt họng súng của kẻ thù để Tiểu đội của bác Báu chiếm lĩnh đầu cầu. (hiểu được tình cảm của Bác là do chúng tôi đã thăm bác cách đây 05 năm). Nói cách khác, dù là bộ đội, dân quân, du kích hay thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, từ trong ký ức của họ vẫn không thể nào quên những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” cùng nhau làm nên “Một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một chiến thắng mở đầu cho thời kỳ chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới không thể tồn tại.

Đến thăm người pháo thủ Đại đoàn pháo binh 351 năm xưa, năm 19 tuổi từ quê lúa Thái Bình, Trần Đình Ngũ (1930) vinh dự trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, từng tham gia các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Hải Phòng, Quang Trung, Sơn La, Sầm Nưa. Cuối năm 1953, pháo thủ Trần Đình Ngũ cùng đồng đội hành quân về Điện Biên.  

Ông nhớ lại: “Đối với những người lính pháo binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi không thể nào quên được những chặng đường kéo pháo từ Nà Nhạn vào trong lòng chảo, tiếp cận với quân địch. Nhằm đảm bảo tính bí mật, chúng tôi kéo pháo vào ban đêm, không được soi đèn, chỉ có 02 chiến sĩ khoác mảnh dù trắng đi trước làm hoa tiêu, chỉ cần sơ suất nhỏ là cả người và pháo đều rơi xuống dưới. Anh em rất vất vả, mỗi đêm thường chỉ kéo được hơn 1,0 km, nhưng được sự động viên của chỉ huy nên chúng tôi đều quyết tâm kéo từng khẩu pháo vào trận địa”. Nay dù sức khỏe ngày càng yếu theo thời gian, ông vẫn hàng ngày giáo dục con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên năm xưa, tiếp bước truyền thống cha anh, xây dựng quê hương Long Khánh “Xanh, văn minh, an toàn, hiện đại”.

Trở về Biên Hòa, đến thăm hai Bác: Đậu Quang Huyến (1932) và Lê Văn Thiên (1935), cùng ngụ khu phó 4, phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa), chúng tôi vui vì hai bác vẫn còn rất minh mẫn vẫn khúc chiết khi kể về những ngày tham gia chiến dịch với niềm tự hào xen lẫn xúc động. Bác Thiên cho biết: Bác nguyên là Tiểu đội trưởng du kích ở quê nhà, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên, được phân công đưa dân công hỏa tuyến phục vụ cho chiến dịch, hành quân từ Nghệ An đến Điện Biên Phủ mất hàng tháng trời, gian khổ và cả hy sinh nhưng đơn vị vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, ngày 10/8/1954 Lê Văn Thiên được chuyển về c14, e 270, Quân khu 4, lần lượt được phân công về e 54 pháo binh, e 271… năm 1972 thì đi B về f3 Quân giải phóng miền Nam, tham gia Đoàn 232 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1993, được biệt phái về công tác tại UBND tỉnh Đồng Nai.

CCB Lê Văn Thiên, Tân Phong - Biên Hòa

Tuy đã cao tuổi và về hưu nhiều năm, nhưng CCB Lê Văn Thiên vẫn luôn nhớ về những tháng ngày trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ông từng làm Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 271, Quân khu 4, thành viên Hội bảo trợ gia đình liệt sĩ, ông tâm sự: “Vì vậy, tôi luôn “thủ” cuốn sổ tay bên mình, cứ thấy báo đăng hoặc nghe ai nói muốn tìm mộ liệt sĩ thuộc đơn vị tôi, hoặc liệt sĩ hy sinh ở Đông Nam bộ là tôi lại ghi vào sổ để dò tìm từ từ. Nói thật, nếu không có cái tâm, không có tấm lòng vì những đồng đội đã ngã xuống thì rất ít ai có thể làm được việc này”.

Thật vậy, đối với những CCB đã trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, trong ký ức họ không bao giờ phai mờ, nhớ nhất là những trận đánh ác liệt, nhớ nhất là về những đồng đội, đồng bào đã hy sinh để cho mình được sống trong hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay.

Trần Thanh Hùng

Tag: