Sign In

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện

07:59 13/03/2024
Hiện nay, hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những khâu then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng. Ngày 23/02/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết đó, tỉnh Đồng Nai đã, đang dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện địa phương.

Ngày 23/02/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển về hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và các giải pháp chủ yếu để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước; có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những lĩnh vực đột phá, cơ bản. Phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, khu vực, thu hẹp khoảng cách vùng, miền; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng và các tài nguyên khác. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới. Định hướng đến năm 2045, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với phát triển của thế giới[1].

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, tỉnh Đồng Nai đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt, hiệu quả sử dụng vốn được nâng lên; tổng vốn đầu tư thực hiện trong 05 năm (2015-2020) đạt trên 450 nghìn tỷ đồng. Hiệu quả đầu tư xã hội, đầu tư công từng bước được cải thiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, hạ tầng thông tin truyền thông... được quan tâm đầu tư; nhiều công trình quan trọng đưa vào sử dụng, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao đời sống Nhân dân. Đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư, hệ thống thoát nước được tích cực triển khai thực hiện. Quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, bước đầu giải quyết một phần nhu cầu nhà ở cho người dân. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đô thị được quan tâm; tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch và quy hoạch các khu chức năng khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư[2].

Không bằng lòng với kết quả đạt được về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Đồng Nai đã xác định đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong các nội dung trọng tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Theo đó, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương đó là: “Tiếp tục thực hiện tốt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt đô thị từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Biên Hòa, đường vành đai, cầu Cát Lái... Chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế mới, động lực mới khi các dự án này đi vào khai thác. Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ ở các đô thị, các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh, xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông; hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, đồng thời, thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông trên địa bàn. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông tiên tiến, độ bao phủ rộng. Tăng cường công tác quản lý đô thị, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, nhà ở, chất lượng sống của người dân. Phát triển đô thị phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, có tầm nhìn dài hạn, xây dựng các đô thị theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển; trong đó, tập trung đầu tư các khu đô thị trung tâm của tỉnh thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Tăng tính kết nối giữa các đô thị; gắn kết phát triển đô thị và phát triển nông thôn. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản theo cơ chế thị trường. Giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Quan tâm đầu tư mảng cây xanh, nhà vệ sinh công cộng ở các đô thị”[3]. Đồng thời, trong Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10/12/2020 của Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai xác định vai trò của xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đó là: “Chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đưa vào khai thác. Xác định đây là vùng động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ logistics, dịch vụ bất động sản”[4] nhằm thực hiện một trong các mục tiêu tổng quát của tỉnh giai đoạn 2020-2025 “là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển”[5]. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai định hướng “tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị. Phát triển các thành phần kinh tế và mô hình kinh doanh mới. Phát triển đồng bộ các loại thị trường. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và quốc tế”[6] góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai nhanh và bền vững.

Với những định hướng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương đã được xác định từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là cơ sở quan trọng để tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” trong thời gian tới. Việc thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với định hướng quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những nhân tố rất quan trọng. Bởi vì, Đồng Nai nằm trong vùng Đông Nam Bộ, có sự kết nối thuận tiện với các địa phương trong Vùng, không gian kinh tế của tỉnh được phân làm 03 vùng với các chức năng phát triển hỗ trợ lẫn nhau. Vùng phía Tây: Chức năng công nghiệp-dịch vụ-đô thị, bao gồm kết nối Vành Đai 4, sân bay Quốc tế Long Thành, Quốc lộ 51, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Cao tốc Bến Lức-Long Thành, Biên Hòa-Vũng Tàu, Quốc lộ 1A, Đường thủy sông Sài Gòn, Đường sắt đô thị. Vùng phía Đông: Chức năng công nghiệp mật độ thấp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch kết nối: Vành đai 4, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 56, Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Đường sắt Bắc - Nam. Vùng phía Bắc: Chức năng nông nghiệp - du lịch - sinh thái, bao gồm: Lấy vành đai đô thị du lịch quanh Hồ Trị An kết nối Quốc lộ 20, Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. 

Dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cả hệ thống chính trị sẽ đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện tỉnh Đồng Nai theo hướng văn minh, hiện đại trong thời gian tới.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2024), Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

[2], [3], [4], [5], [6] Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb Đồng Nai, tr. 20-21; tr. 91-92; tr. 156; tr. 159-160; tr. 162.

Lê Quang Cần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm