ĐTO - Những năm qua, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố chủ động phối hợp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc (BVCS) trẻ em (TE), nhất là TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, chú trọng lồng ghép, triển khai nhiệm vụ BVCSTE gắn với các lĩnh vực quản lý, góp phần tạo môi trường sống an toàn để TE có cơ hội phát triển toàn diện.
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Tam Nông tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2024
Toàn tỉnh hiện có 353.957 TE (chiếm trên 22% dân số của tỉnh). Trong đó, có gần 3.000 TE có hoàn cảnh đặc biệt; 36.000 TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh kiện toàn nhân sự Ban Điều hành Bảo vệ TE tỉnh và Quy chế hoạt động; ban hành các chương trình, kế hoạch và giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương về công tác BVCSTE. Tập trung các giải pháp tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền TE. Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ vật chất, tinh thần; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho TE như: tai nạn thương tích, bị xâm hại, đuối nước...
Sở LĐ-TB&XH, các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức về BVCS TE với nhiều hình thức phong phú, phù hợp. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố tổ chức gần 200 lớp tập huấn, truyền thông về công tác BVCSTE tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, tập trung các chuyên đề như: phòng, chống đuối nước, xâm hại tình dục TE; giảm thiểu TE lao động trái quy định pháp luật và BVCSTE khuyết tật... thu hút hơn 5.000 lượt người tham dự. Các hoạt động truyền thông góp phần tác động tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác BVCSTE các cấp, người thân của trẻ và cộng đồng xã hội về trách nhiệm đối với TE. Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, chủ động tiếp nhận thông tin tố giác các hành vi vi phạm quyền TE và hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc vi phạm quyền TE”.
Tham gia BVCSTE, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp với ngành chức năng kiểm soát thông tin trên mạng Internet, nhất là mạng xã hội để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đăng tải hình ảnh, video có nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến TE. Đồng thời phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh triển khai kết nối dữ liệu TE vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thu thập, báo cáo về tình hình TE; tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại TE...
Tại các địa phương, UBND huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường phối hợp liên ngành nhằm giải quyết các vấn đề bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước TE, chăm sóc phát triển toàn diện TE trên địa bàn. Theo Sở LĐ-TB&XH, nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp, trung bình mỗi năm có trên 2.000 lượt TE có hoàn cảnh đặc biệt và hàng chục ngàn lượt TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh được can thiệp, trợ giúp kịp thời. TE được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích, thiết thực, an toàn, lành mạnh.
Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ BVCSTE, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Điều hành Bảo vệ TE các cấp; tăng cường tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, điều hành công tác BVCSTE trên địa bàn. Các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng về ý thức tự giác phòng, chống đuối nước, bạo lực, xâm hại TE và giảm thiểu TE lao động trái quy định của pháp luật.
Đồng thời đề nghị, UBND huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn thường xuyên củng cố hoạt động Ban Điều hành Bảo vệ TE cùng cấp; phát huy tốt cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch chuyên đề về TE; phân bổ ngân sách cho các hoạt động BVCSTE; quan tâm đầu tư điểm vui chơi, giải trí dành cho TE tại các địa bàn nông thôn, biên giới...
P.L