Sign In

Huyện Châu Thành phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa

10:46 26/12/2024

ĐTO - Là địa phương có nhiều địa danh, phong cảnh nổi tiếng, những năm qua, huyện Châu Thành phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa, xây dựng, quảng bá hình ảnh địa phương qua các sản phẩm du lịch.


Điểm tham quan vườn cây ăn trái Tám Sáng (xã Tân Bình) đang là lựa chọn hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm khi đến Châu Thành

Phát triển du lịch từ tài nguyên bản địa

Huyện Châu Thành là 1 trong 12 đơn vị hành chính của tỉnh Đồng Tháp, có vị trí quan trọng nhiều mặt, có Quốc lộ 80 đi qua và nhiều lộ giao thông liên huyện rất thuận tiện đi lại. Huyện còn là cửa ngỏ phía Nam của tỉnh tiếp giáp 2 thành phố sầm uất Sa Đéc và Vĩnh Long nên rất thuận lợi cho việc kết nối giao thông liên vùng.

Châu Thành có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, khai thác các loại hình dịch vụ du lịch như: du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng, tâm linh. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh là lợi thế để huyện phát triển du lịch tâm linh như: công trình kiến trúc di tích lịch sử cấp Quốc gia đình Phú Hựu, đình Tân Phú Trung, đình Tân Nhuận Đông, công trình di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long thuộc xã Hòa Tân; các cơ sở tôn giáo: chùa Phước Long, Hội Phước, Khánh Linh và mộ Cô Hai Hiên...

Bên cạnh thế mạnh về du lịch tâm linh, Châu Thành còn được biết đến là “thiên đường” của các loại cây ăn trái và làng nghề truyền thống. Tại vùng cồn An Hòa (xã An Nhơn); cồn Bạch Viên nối dài thuộc 2 xã Tân Nhuận Đông - An Nhơn, từ lâu nổi tiếng với các loại cây trồng như: nhãn, chôm chôm, chanh... Ngoài ra, làng bè và khu lò gạch truyền thống An Hiệp là những điểm đến hấp dẫn, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Châu Thành.

Để tạo điểm nhấn níu giữ khách dừng chân tại Châu Thành, địa phương đã đột phá từ những lợi thế sẵn có về di tích, cây ăn trái và làng nghề truyền thống để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tham quan vườn cây ăn trái, lò gạch; tham quan, trải nghiệm tại làng nghề truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa...


Với diện tích 3ha, Khu du lịch sinh thái Miền Quê Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông) tạo ấn tượng với du khách bởi không gian thiết kế độc đáo

Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 10 điểm du lịch cộng đồng, điển hình như: Điểm tham quan vườn cây ăn trái Tám Sáng, Thanh Hiền (xã Tân Bình); điểm Sáu Hoảnh, điểm Hai Thủy (xã An Hiệp); điểm Minh Trí (xã Tân Nhuận Đông); điểm tham quan du lịch sinh thái “Bảy Nhượng” (xã An Phú Thuận),... Đa phần các điểm này phục vụ tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các món đồng quê nên tạo sự hấp dẫn cho du khách. Bên cạnh đó, có 2 Khu du lịch sinh thái: Miền quê Nha Mân (trên 3ha) xã Tân Nhuận Đông và Hoằng Sơn, xã An Khánh (trên 7ha) đang trong quá trình xây dựng, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Ông Nguyễn Thành Sáng - chủ Vườn trái cây Tám Sáng tại xã Tân Bình cho biết, với giá vé từ 30.000 - 70.000 đồng/người, du khách sẽ được tham quan vườn trái cây theo nhu cầu. Cùng với đó, du khách được tự do hái trái cây và ăn uống không giới hạn tại vườn. Nếu du khách muốn mua thêm trái cây mang về làm quà, nhà vườn sẽ bán với giá ưu đãi. Dịch vụ ăn uống ở khu nhà vườn cũng được chuẩn bị chu đáo với nhiều món ăn dân dã. Những dịp lễ, hè, mỗi ngày điểm du lịch có thể đón trên 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm...


Khu du lịch sinh thái Hoằng Sơn (xã An Khánh) có diện tích hơn 7ha, được xem là không gian lý tưởng để du khách trải nghiệm khi đến Châu Thành

Du lịch nông thôn góp phần xây dựng  địa phương bền vững

Để quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch, 2 năm gần đây, huyện Châu Thành đã tổ chức Ngày hội nông sản quy mô cấp xã, huyện. Cùng với đó, huyện phối hợp các đơn vị, ban, ngành mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch tại điểm đến và lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chế biến món ăn địa phương cho hộ kinh doanh du lịch vườn, cơ sở lưu trú du lịch có kinh doanh ăn uống, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch sinh thái vườn.

Qua nhiều hình thức quảng bá, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, đến nay, du lịch Châu Thành dần được bạn bè trong và ngoài tỉnh biết đến. Năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Châu Thành khoảng 11.400 lượt, doanh thu trên 1,7 tỷ đồng. Đồng thời, tại Ngày hội nông sản huyện Châu Thành lần thứ I, thu hút trên 5.000 người đến tham quan mua sắm. Qua đó, tạo dựng hình ảnh đẹp về văn hóa, con người Châu Thành đối với khách tham quan.

Điểm nổi bật là tại các xã nông thôn mới, du lịch phát triển đã góp phần thay đổi diện mạo làng quê, cuộc sống của người dân ngày càng đầy đủ và sung túc hơn. Việc định hướng sang phát triển du lịch cộng đồng đã làm thay đổi ý thức người dân nơi đây. Người dân đã chủ động thay đổi diện mạo môi trường, cảnh quan xóm, ấp như: đầu tư điện chiếu sáng đường quê, sử dụng nước sạch, làm vệ sinh môi trường. Đồng thời, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà bắt đầu tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo bền vững.

Kế hoạch của UBND huyện về phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh huyện Châu Thành giai đoạn 2022 - 2025, xác định mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, Châu Thành tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch chính trên cơ sở lợi thế của huyện gồm: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nông nghiệp - nông thôn. Để khai thác tốt các sản phẩm du lịch, huyện định hướng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết với các địa phương; tiếp tục nâng cấp các khu, điểm du lịch hiện có, tạo ra các sản phẩm mới...

Có thể thấy, việc phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa đang là hướng đi tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tại huyện Châu Thành. Với những kết quả đạt được, cùng những định hướng phát triển du lịch của huyện trong tương lai, tin tưởng du lịch nông thôn sẽ góp phần xây dựng Châu Thành giàu đẹp và bền vững trong thời gian tới.

Mỹ Nhân

Tag:

File đính kèm