Sign In

Phát triển Đồng Tháp thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân

20:43 13/08/2023
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp chiều ngày 13/8.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp

Tham dự buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Về phía tỉnh Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân văn minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo Thủ tướng, Đồng Tháp có nhiều lợi thế để phát triển như: Tỉnh có vị trí chiến lược đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích đất phù sa lớn; có 02 cửa khẩu quốc tế tiếp giáp với Campuchia; sớm xác định mục tiêu phát triển rõ ràng, toàn diện theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nhiều năm liền nằm trong Top các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá trong phát triển. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đồng Tháp tiếp tục tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát huy những mặt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua các khó khăn, thách thức.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Đồng Tháp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận
và đặt nhiều kỳ vọng đối với sự phát triển của 
Đồng Tháp

Đồng thời, cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, có chiến lược lâu dài để phát huy các nguồn lực đang có; đồng thời cần xác định trọng tâm, trọng điểm trong công tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, vì dân phục vụ.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch với tư duy đổi mới; tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng; có giải pháp thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tập trung phát triển công nghiệp chế biến; đẩy mạnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả; hình thành các chuỗi ngành hàng chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu; phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ; phát triển giao thông đường thủy nội địa.

Đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trên các kênh, rạch để duy trì không gian sống, nguồn sinh kế quan trọng. Có các kịch bản, giải pháp hiệu quả ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tình trạng sụt lún, sạt lở - Thủ tướng kết luận.

Trước đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy/Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 06 tháng cuối năm 2023.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa
báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo triển khai 16 Nghị quyết, Kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tập trung nguồn lực cho các Chương trình, Đề án trọng tâm, 05 mũi đột phá chiến lược và đã lãnh đạo ban hành 62 cơ chế, chính sách phát triển.

Kinh tế phục hồi và tiếp tục phát triển ổn định, trong đó tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,62%, quy mô kinh tế đạt 100.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng (tương đương 2.675 USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021.

Nông sản Ðồng Tháp đã tiếp cận được các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số đã hình thành và phát triển mạnh ở Đồng Tháp, tạo ra những chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao. Cụ thể, đã có trên 357 sản phẩm OCOP, xếp thứ 3 cả nước.

Đồng Tháp rất chú trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn ở mức cao, thể hiện qua chỉ số PCI 15 năm liên tiếp xếp trong nhóm 5 tỉnh/ thành phố dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, mức độ phát triển kinh tế của Đồng Tháp chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông còn yếu kém; thu hút đầu tư chưa nhiều, đạt hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Tình hình cung ứng cát san lấp gặp khó khăn do sản lượng giảm mạnh trong những năm gần đây, nên chưa bảo đảm nhu cầu xây dựng các công trình. Tình trạng thiếu hụt đơn hàng vẫn tiếp diễn, dẫn đến tồn kho nhiều, người lao động bị giảm giờ làm, xuất khẩu giảm làm hạn chế tăng trưởng.

Để tháo gỡ một số khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện một số nội dung như: Thành lập “Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười”; xây dựng mới Bảo tàng Đồng Tháp Mười tại Khu di tích Gò Tháp; thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, quy mô từ 5.000ha trở lên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp; đề xuất sớm chấp thuận nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông.

Ngoài ra, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất chấp thuận cho tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là 8.682 ha; thành lập Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số khu vực đồng bằng sông Cửu Long đặt tại tỉnh Đồng Tháp; quy hoạch phát triển 1.300 MW điện mặt trời; đầu tư tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đoạn Hồng Ngự - Cao Lãnh; tái khởi động dự án Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà; đầu tư Dự án nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền giai đoạn 2023 – 2025 v.v..

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Đồng Tháp

Trước các đề xuất, kiến nghị của Đồng Tháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo với từng nội dung cụ thể; đồng thời yêu cầu tỉnh lập kế hoạch, xây dựng dự án cụ thể trình lên Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để được xem xét, giải quyết.

Thành Nhơn – Việt Tiến

Tag:

Bài viết tích hợp từ : dongthap.gov.vn