ĐTO - Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy Hồng Ngự về công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo bền vững (GNBV) được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đoàn công tác của Hội đồng nhân dân tỉnh cùng với UBND TP Hồng Ngự đến khảo sát thực tế đời sống hộ mới thoát nghèo”
Tăng cường thực hiện công tác giảm nghèo
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố xác định rõ công tác GNBV là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu cần tập trung thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp GNBV. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố.
Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình việc làm và giảm nghèo thành phố đã tổ chức đối thoại với các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, phường tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được tham gia đối thoại và giúp người dân hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển sinh kế, tạo việc làm, đào tạo nghề. Thông qua các buổi đối thoại đã tạo điều kiện cho người nghèo bày tỏ nguyện vọng của bản thân, gia đình, từ đó giúp Ban Thường vụ Thành ủy đề ra những chủ trương, giải pháp sát với tình hình thực tế của từng địa phương.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ và Nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) GNBV được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Các chỉ tiêu giảm nghèo, các dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn là 6,28%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,32%, hộ cận nghèo giảm còn 3,96%.
Lao động nông thôn có thu nhập ổn định từ nghề đan ghế nhựa
Tập trung các nguồn lực giảm nghèo
Bên cạnh việc thực hiện các nguồn lực từ CTMTQG GNBV, địa phương còn huy động nguồn “Quỹ vì người nghèo” thông qua việc kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố cùng chăm lo cho người nghèo. Đồng thời duy trì, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, giúp người dân có được sinh kế nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên TP Hồng Ngự hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ các nguồn vận động và đã thực hiện gần 280 nhà đại đoàn kết, mái ấm tình thương cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng mới và sửa chữa cầu, trường học, lắp đèn năng lượng thắp sáng đường quê nông thôn. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội đã xây dựng, tặng quà Tết, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, phối hợp khám chữa bệnh, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá các công trình, phần việc trên 35 tỷ đồng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cùng các cơ sở Hội tổ chức nhiều mô hình mang lại hiệu quả như: “Tổ phụ nữ hỗ trợ phát triển kinh tế”, “Tổ dịch vụ đa ngành nghề”; “Tổ phụ nữ giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo”; “Mỗi cơ sở giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững” và thực hiện 44 mô hình sinh kế, tổng số tiền 410 triệu đồng với hình thức cho mượn không tính lãi, thời gian hoàn lại trong 2 năm. Qua đó, góp phần cùng với địa phương giúp 130 hộ hội viên, phụ nữ nghèo thoát nghèo, cận nghèo.
Tại xã Tân Hội, mô hình đan ghế nhựa góp phần tạo việc làm cho hội viên phụ nữ cũng như lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Chị Trần Thị Thùy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hội cho biết, để giúp hội viên cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, Hội đã phối hợp giới thiệu hội viên học nghề đan ghế nhựa để tăng thêm thu nhập. Hiện trên địa bàn xã có hơn 50 chị em tham gia đan ghế nhựa, thông qua mô hình này đã có nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo. Hướng tới, Hội tiếp tục liên kết với các công ty nhận nguyên liệu giao lại cho hội viên đan ghế tại nhà và vận động thêm nhiều hội viên trên địa bàn cùng tham gia để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chị Trần Thị Mai ngụ ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội chia sẻ, từ khi được địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ quan tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm đan ghế nhựa, tôi có việc làm ổn định, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nghề đan ghế nhựa giúp hội viên, phụ nữ có việc làm trong thời gian nhàn rỗi vừa có điều kiện chăm lo gia đình, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống. Tùy theo mẫu mã của từng sản phẩm mà có nguồn thu nhập khác nhau, trung bình mỗi ngày, tôi có thu nhập từ 200.000 đồng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lao động học nghề, tìm việc làm, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng nhận được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nhất là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mong muốn vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm 2021 đến nay, các ngành liên quan đã phối hợp mở 40 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho gần 930 lao động nông thôn, đào tạo hệ trung cấp gần 1.100 học viên; giải quyết việc làm cho gần 9.100 người, đưa hơn 310 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.
Thành đoàn Hồng Ngự trao quà cho hộ nghèo
UBND TP Hồng Ngự, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, phường thực hiện mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của CTMTQG GNBV. Đến nay, thành phố đã triển khai thực hiện 7 dự án, hỗ trợ cho 33 hộ tham gia dự án mô hình giảm nghèo, kinh phí thực hiện trên 1,7 tỷ đồng, với các mô hình mang lại hiệu quả như: trồng nấm rơm trong nhà kín; hỗ trợ hoa kiểng; nuôi lươn... góp phần tạo việc làm cho lao động thoát nghèo. Cùng với đó, chương trình tín dụng đã thực hiện cho vay, giải ngân cho hơn 320 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền trên 15 tỷ đồng, 520 lượt hộ cận nghèo vay vốn với số tiền hơn 21 tỷ đồng và 910 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Hùng Dũng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hồng Ngự cho biết, hàng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình việc làm và giảm nghèo thành phố rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao, mạnh dạn đưa ra những hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo nhưng không chí thú làm ăn, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo, các cấp, các ngành còn quan tâm hỗ trợ cho vay vốn từ CTMTQG GNBV cùng nguồn lực đối ứng của địa phương để người nghèo chủ động tạo dựng sinh kế, mô hình chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
N.Long