Sign In

Đồng Tháp: Phát huy hiệu quả tài nguyên và tiềm năng du lịch

17:24 08/07/2024
Hình thành từ năm 1982, chậm hơn ngành du lịch cả nước 22 năm và rất mờ nhạt trong ngành du lịch Việt Nam; tài nguyên và tiềm năng gần như chưa được khai thác, phát huy. Thế nhưng, bằng những giải pháp, chính sách phát triển du lịch thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương và xu hướng chung của cả nước, du lịch Đồng Tháp đến nay đã xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách và sự quan tâm của các cơ quan truyền thông đại chúng.

Từ tài nguyên và tiềm năng du lịch

06 tháng đầu năm 2024, du lịch Đồng Tháp đã đón trên 2.5 triệu lượt khách, doanh thu 1.250 tỷ đồng

 

Được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu mang nhiều phù sa, bồi đắp cho những vườn cây trĩu quả bốn mùa và những cánh đồng bát ngát, nơi đây được xem là “vựa lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn.

Tiêu biểu là vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim – nơi trú ngụ của loài Sếu đầu đỏ được ghi vào sách đỏ thế giới, nơi đây là Đồng Tháp Mười thu nhỏ với những thảm thực vật đặc trưng như:Lúa trời, năng, lác, bông súng, điên điển v.v..

Khu di tích Xẻo Quít nơi có hệ sinh thái rừng tràm nguyên sinh 20 ha, những dây leo quấn quýt trên cây tràm giống như bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, với sân chim rộng hơn 36 ha, đa dạng về chủng loại và đặc biệt là loài Nhan điển quý hiếm được đưa vào sách đỏ. Khu di tích Gò Tháp – nơi lưu giữ dấu tích thành luỹ của Vương quốc Phù Nam và các di chỉ của nền văn hoá Óc Eo.

Đồng Tháp còn có nhiều đình, chùa và các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Chùa Kiến An Cung, chùa Hương, chùa Bà, chùa Tổ (Bửu Lâm Tự), đình Tân Phú Trung v.v., làng dệt chiếu Định Yên, làng Nem Lai Vung v.v..  

Du khách đến với Đồng Tháp còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đồng bằng Nam bộ như: Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, cá rô kho tộ, canh chua cá linh non với bông điên điển, mắm kho bông súng v.v. cùng với nhiều loại trái cây miệt vườn đã trở thành thương hiệu như: Xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hoà v.v..

Đến quả ngọt sau 42 năm phát triển

Hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách

 

Từ những tiềm năng và tài nguyên sẵn có cùng với những giải pháp, chính sách phát triển du lịch thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương và xu hướng chung của cả nước; nổi bật nhất phải kể đến là từ năm 2015, đây là năm đánh dấu bước chuyển mình của du lịch tỉnh khi Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 được ban hành và đưa vào thực hiện.

Trải qua 05 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 và 03 năm thực hiện Kết luận số 249 -KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, dulịch Đồng Tháp đã xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách và sự quan tâm của các cơ quan truyền thông đại chúng.

Du lịch Đồng Tháp đã có những bước chuyển mình trên mọi mặt: Hạ tầng giao thông; đầu tư hạ tầng du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện vận chuyển khách du lịch; xây dựng sản phẩm đặc trưng v.v..

Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chưa có điểm du lịch tư nhân nào thì sau khi Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành và thực hiện đã phát triển được 51 điểm du lịch cộng đồng, khai thác phục vụ khách du lịch khá hiệu quả. Đến ngày 30/6/2024, đã phát triển 72 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đang hoạt động.

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng các chương trình du lịch đặc thù khá hấp dẫn để giới thiệu cho các đơn vị lữ hành nhằm thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm Đồng Tháp như: Chương trình du lịch “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái” v.v..

Phát triển Ẩm thực đặc trưng và sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm

Đồng Tháp đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và Châu Á 200 món ăn chế biến từ Sen

 

Nhận thấy tầm quan trọng của ẩm thực trong phát triển du lịch, thời gian qua, Đồng Tháp đã rất chú trọng khai thác văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch; gắn chặt ẩm thực với định vị sản phẩm đặc trưng ở các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh nói chung và các địa phương nói riêng.

Các món ăn đặc trưng của Đồng Tháp như: Cá lóc nướng trui gói lá sen non, lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, chuột quay lu, hủ tiếu Sa Đéc, các món ăn từ ếch đồng v.v. đặc biệt, 200 món ăn từ Sen Đồng Tháp đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và Châu Á. Hiện nay, rất nhiều món ăn từ Sen đang được phục vụ và được yêu thích: Cơm hạt sen, gỏi ngó sen, chè sen, canh củ sen, cánh hoa sen chiên giòn, củ sen chiên giòn, chả giò sen v.v..

Về hàng quà tặng và đặc sản địa phương, hiện tỉnh Đồng Tháp có 453 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 366 sản phẩm OCOP 3 sao và 86 sản phẩm OCOP 4 sao, 01 sản phẩm OCOP 5 sao.

Năm 2023, du lịch Đồng Tháp tiếp tục giữ vững vị trí top 04 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về lượt khách với hơn 04 triệu lượt khách và thu du lịch đạt 1.925 tỷ đồng. Năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng (trong 06 tháng đầu năm du lịch đã đón trên 2,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng).

Khánh Vân

 

 

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm