Sign In

Huyện Thanh Bình nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo

10:42 23/11/2024

ĐTO - Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị huyện Thanh Bình vào cuộc quyết liệt để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình). Từ đó, giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.


Lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan mô hình nuôi lươn sinh sản của hộ ông Nguyễn Văn Lực Ba ngụ Ấp 4, xã Tân Mỹ

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO

Thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2024, trên địa bàn huyện Thanh Bình triển khai thực hiện các dự án như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Các dự án này góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia dự án. Tổng nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình hơn 18 tỷ đồng, đến nay, huyện đã tổ chức giải ngân các chương trình, dự án, tiểu dự án đạt trên 90%, giúp 100% hộ tham gia thoát nghèo bền vững.

UBND huyện Thanh Bình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương.

UBND huyện lãnh đạo công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ theo đúng mục tiêu của Chương trình, lồng ghép với các nguồn vốn khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; tích cực xã hội hóa, vận động, huy động các đơn vị, doanh nghiệp tham gia giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng xã hội yếu thế; công khai, minh bạch các nguồn vốn, thực hiện theo thứ tự ưu tiên, không dàn trải.


Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Thanh Bình thăm và tặng quà cho gia đình ông Võ Văn Bống ngụ Ấp 4, xã Tân Mỹ được vay vốn tín dụng thực hiện mô hình nuôi dê

Bên cạnh đó, huyện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huyện tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; đã vận động tiếp nhận các nguồn lực trong xã hội hơn 77 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Lực Ba ngụ Ấp 4, xã Tân Mỹ được hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình với số tiền vay 30 triệu đồng. Ông Lực Ba cho biết: “Có được nguồn vốn vay, tôi thực hiện mô hình nuôi lươn. Tôi mua 2 mùng nuôi lươn, trong đó 1 mùng nuôi lươn giống 250 con và 1 mùng nuôi lươn thịt 1.300 con. Thời gian nuôi lươn thịt từ 8 - 10 tháng, lươn giống từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng mới sinh sản. Tôi đã bán lươn giống được 1 lần, thu nhập được 9 triệu đồng”.

Theo UBND huyện Thanh Bình, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện đã đề ra các giải pháp thực hiện và mục tiêu phấn đấu như: đổi mới sáng tạo, tìm kiếm những mô hình kinh tế mới, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người dân. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,05%, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,15%; đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,36%. Đặc biệt, huyện gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập trung hỗ trợ giảm nghèo cho các đối tượng hộ nghèo thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề gắn với chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Mỗi năm, có khoảng 3.100 lao động có việc làm mới, trong đó có 193 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

CHUNG TAY VÌ NGƯỜI NGHÈO

UBND huyện Thanh Bình thực hiện chính sách giảm nghèo bằng cách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận vay vốn tín dụng ưu đãi. Ông Đoàn Văn Vinh ngụ Ấp 3, xã Tân Mỹ, chia sẻ: “Tôi được hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình, sau khi tiếp cận nguồn vốn vay 30 triệu đồng, tôi mua 2 con bò để nhân giống, đến nay tổng đàn bò đang nuôi là 6 con. Từ đó giúp gia đình tôi có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”.


Nghề đan giỏ xách bằng dây nhựa ở ấp Tân Dinh, xã Tân Hòa giải quyết việc làm cho người dân địa phương

Ngoài tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, UBND huyện quan tâm đến việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho các lao động nông thôn, cũng như đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Giai đoạn 2021 - 2024, huyện đã triển khai đào tạo 38 lớp, cho gần 900 học viên (đào tạo nghề phi nông nghiệp). Kết quả, giới thiệu tạo việc làm mới cho gần 4.500 lao động, đạt 115% kế hoạch, trong đó có 565 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Nhật Bản 481 lao động, Đài Loan 20 lao động, Hàn Quốc 57 lao động, thị trường khác 7 lao động). Về hỗ trợ nhà ở, trên địa bàn huyện xây mới 74 căn nhà “Đại đoàn kết”, vận động xây dựng 9 căn nhà “Tình đồng đội” cho hội viên cựu chiến binh nghèo; sửa chữa 31 căn nhà ở cho hộ cận nghèo; xây dựng, sửa chữa 785 căn “Nhà tình thương” cho hộ khó khăn, với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng.

UBND huyện Thanh Bình thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hộ nghèo, cận nghèo trong việc chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Trường hợp ông Võ Văn Bống ngụ Ấp 4, xã Tân Mỹ, gia đình có 2 nhân khẩu, thuộc hộ cận nghèo được xét hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình. Sau khi tiếp cận nguồn vốn vay 40 triệu đồng, ông cất chuồng trại nuôi dê. Ông Bống phấn khởi, cho biết: “Ban đầu, tôi mua 1 dê đực giống và 7 dê cái giống, thời gian nuôi dê thịt từ 4 - 6 tháng xuất bán. Sau khi nuôi đã bán được 1 lần là 6 con dê thịt với số tiền 7,2 triệu đồng. Hiện nay, tôi phát triển đàn dê lên với số lượng 13 con giúp cải thiện kinh tế gia đình”.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn chính sách, chương trình, dự án nên các hộ nghèo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm chỉ còn 490 hộ/38.103 hộ, chiếm 1,29%; hộ cận nghèo giảm còn 627 hộ, chiếm 1,65%.

Ông Võ Thành Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp dân cư nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Huyện tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các chương trình phát triển kinh tế của huyện, đặc biệt chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tiếp tục vận động nhiều nguồn lực để phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo như: vận động Quỹ “Ngày vì người nghèo”, vận động các công ty, doanh nghiệp...

Thành quả đạt được trong công tác giảm nghèo của huyện Thanh Bình là kết quả của sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân và sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp.

DƯƠNG ÚT - KIỀU TRANG

Tag:

File đính kèm