Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp đến năm 2030
Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, có 05/10 chỉ tiêu có tiến độ thực hiện tốt, cơ bản đạt và vượt mục tiêu hằng năm. Cụ thể, thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng bình quân trên 17%/năm; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hoá biên mậu giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng bình quân 7,6%/năm; 93% dân cư khu vực biên giới tham gia bảo hiểm y tế; 93,88% hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá; 94% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch v.v..
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp khu vực biên giới tiếp tục phát triển theo đúng định hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng, gia tăng liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Ngành hàng lúa phát triển ổn định theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu. Sản lượng lúa duy trì tương đối ổn định qua các năm. Năm 2023, ước đạt trên 629 ngàn tấn, đóng góp 19% vào tổng sản lượng lúa cả tỉnh. Sản lượng thuỷ sản năm 2023 ước đạt trên 226 ngàn tấn, đóng góp 36% vào tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh.
Kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động tương đối hiệu quả. Tính đến cuối tháng 6 năm 2023, khu vực biên giới có 40 hợp tác xã, 147 tổ hợp tác, 21 hội quán.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2021 – 2023 có thêm 21 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, nâng tổng số lên 100 sản phẩm. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tính đến hết tháng 6/2023 có 16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 06 xã biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và Tỉnh trưởng tỉnh Prey Veng
khảo sát Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước. Ảnh: Văn Khương
Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, hoàn thành và triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V đối với Khu cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng) và Khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) trong năm 2022, nâng tổng số lên 05 đô thị tại khu vực biên giới, gồm: 01 đô thị loại III (thành phố Hồng Ngự) và 04 đô thị loại V (thị trấn Sa Rài, thị trấn Thường Thới Tiền, Khu cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, Khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước).
Kết cấu hạ tầng hạ tầng giao thông kết nối với các vùng lân cận và phía bạn Campuchia tiếp tục được đầu tư phát triển. Hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạ tầng giao thông quan trọng như: Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự giai đoạn 2; bến phà Tân Châu - Hồng Ngự (bờ Hồng Ngự) giúp kết nối giữa khu vực huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự, cửa khẩu Quốc tế Thường Phước với thị xã Tân Châu và các địa phương khác thuộc tỉnh An Giang.
Ngoài ra, triển khai thủ tục thành lập cụm công nghiệp An Hoà; bổ sung vào quy hoạch 02 cụm công nghiệp với diện tích 98ha tại thành phố Hồng Ngự (cụm công nghiệp Bình Hưng với 69ha và cụm công nghiệp khởi nghiệp với 29ha); 01 cụm công nghiệp tại huyện Hồng Ngự (cụm công nghiệp Thường Phước với 75ha); 02 cụm công nghiệp tại huyện Tân Hồng với diện tích 125ha (cụm công nghiệp Tân Phước với 75ha; cụm công nghiệp Tân Thành B với 50ha).
Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các cửa khẩu tiếp tục được triển khai; đồng thời phê duyệt chủ trương đầu tư và chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Mộc Rá.
Thành Nhơn