Sign In

Chuyện một đảng viên được đặt tên buôn làng

10:39 18/09/2024
(GLO)- Với người dân buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Ma Giai không chỉ là tên làng mà còn thể hiện sự kính trọng của bà con đối với người có công mở đất-ông Kpă Y Thia (Ama Giai).

Gần nửa thế kỷ qua, các thế hệ đảng viên trong gia đình ông Kpă Y Thia luôn thấm nhuần và phát huy tinh thần “đảng viên đi trước”. Họ trở thành tấm gương để thế hệ sau học tập, sống có lý tưởng, góp sức xây dựng quê hương.

Buôn Ma Giai có đến 99% dân số là người Chăm H’roi-một nhánh của dân tộc Chăm sinh sống. Tên đất, tên làng ở vùng đất xa nhất huyện này gắn liền với một con người, đó là ông Kpă Y Thia (SN 1933, dân làng gọi là Ama Giai). Ông vừa được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng trong dịp Quốc khánh 2-9 năm nay.

Cùng với Ama Giai, 2 người con rể của ông cũng vừa được trao tặng Huy hiệu 50 năm và 30 năm tuổi Đảng, trở thành gia đình hiếm hoi có nhiều đảng viên kỳ cựu ở xã Đất Bằng nói riêng, huyện Krông Pa nói chung.

Tên người thành tên buôn làng

Ông Kpă Y Thia có 6 người con (3 trai, 3 gái). Con trai đầu của ông là La O Giai hy sinh năm 1972 trong kháng chiến chống Mỹ. Theo tập tục, dân làng gọi ông là Ama Giai-tức bố của Giai. Khi tên ông được đặt cho làng, bà con đọc tắt thành Ma Giai.

Ông Kpă Y Thia (Ama Giai, ở giữa) trò chuyện cùng con rể Bă Văn Hơm (bìa trái) và Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn La O Á. Ảnh: H.N

Ông Kpă Y Thia (Ama Giai, ở giữa) trò chuyện cùng con rể Bă Văn Hơm (bìa trái) và Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn La O Á. Ảnh: H.N

Đã hơn 90 mùa rẫy, kinh qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhưng Ama Giai có một vẻ đẹp rất thơ trẻ với đôi tai to, đôi mắt trong veo biết cười. Sau một lần bị tai biến, ông mất luôn trí nhớ. Người con rể là Bă Văn Hơm (SN 1950) vừa được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng đợt với bố vợ.

Ông Hơm kể: “Đây là vùng căn cứ cách mạng. Người Chăm H’roi trong những năm tháng chống Mỹ đã quen sống nơi rừng núi, không muốn xuống đồng bằng. Sau giải phóng, bố vợ tôi là một trong những người đầu tiên rời núi cao về buôn. Khi đó, toàn buôn chỉ vỏn vẹn 6 hộ.

Bằng tài dân vận, ông đi khắp các ngọn núi vận động bà con về đây lập làng, hướng dẫn họ làm lúa nước, dần bước qua đói nghèo, lạc hậu. Ông thường nói, đất đai rộng lớn, bằng phẳng như ở đây thì không sợ đói, chỉ sợ lười lao động. Người dân lấy tên ông đặt tên cho buôn để ghi nhớ công lao to lớn này”.

Gần nửa thế kỷ qua, Ma Giai không chỉ là tên làng mà còn gắn với những con sông, dòng suối, thác nước, đập dâng... Điều đó minh chứng cho sự kính trọng của người dân dành cho người có công mở đất lập làng.

Anh La O Á-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho biết: “Buôn Ma Giai hiện có 184 hộ với 752 khẩu, trong đó, 99% là người dân tộc Chăm H’roi. Chính Ama Giai là người đặt nền móng cho sự phát triển cộng đồng người Chăm cũng như sự hình thành, phát triển Đảng ở chi bộ xa xôi nhất của xã Đất Bằng.

Mấy năm trước, khi còn mạnh khỏe, ông vẫn tham gia họp chi bộ, có nhiều đề xuất, đóng góp, trao truyền kinh nghiệm trong công tác dân vận để thế hệ đảng viên trẻ học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Không ai biết chính xác buôn Ma Giai hình thành từ khi nào. Nhưng việc buôn đã qua 2 lần mang tên người có công mở đất lập làng thì bà con ai cũng nhớ. Trước năm 1945, nơi này gọi là buôn Ma Yú, từ năm 1975 trở lại đây là buôn Ma Giai.

Điều đặc biệt, 2 bậc “tiền hiền” này lại là cha con, Ama Yú chính là cha của Ama Giai. Công lao này khắc sâu vào tâm thức người dân như những hoa văn khắc trên cột kut na-một biểu tượng đề cao sự bất diệt của cuộc sống con người trong văn hóa của người Chăm.

Viết tiếp chuyện làng

Theo quy luật thời gian, Ama Giai giờ đây như một bóng đại thụ. Thế hệ con cháu của ông tiếp nối truyền thống viết tiếp những câu chuyện buôn làng.

Ama Giai-người được đặt tên cho buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Ảnh: H.N

Ama Giai-người được đặt tên cho buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Ảnh: H.N

Từng tham gia ở một trung đội thuộc Tỉnh đội Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đến năm 1977, ông Bă Văn Hơm-người con rể út của Ama Giai mới tạm gác việc nước trở về vận động vợ con rời núi xuống đồng bằng định cư.

Năm 2006, buôn Ma Giai tách khỏi xã Tân Jú (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) để sáp nhập vào địa giới hành chính xã Đất Bằng và thành lập chi bộ mới. Ông Hơm trở thành Bí thư Chi bộ đầu tiên của buôn.

Ông cho hay, đó là một trọng trách vì hơn nửa số hộ trong buôn khi đó còn thuộc diện nghèo. Nếu không làm gì để giúp dân, giúp chi bộ phát triển thì trách nhiệm trước hết thuộc về mình. Nhưng ông cũng luôn tin vào ánh sáng của Đảng sẽ giúp ông làm những việc đúng đắn, có ích cho dân.

Ông bồi hồi nhớ lại giây phút được kết nạp vào Đảng cách đây nửa thế kỷ: “Một ngày hè tháng 5-1974, đơn vị tôi đang trên đường hành quân chuẩn bị cho chiến dịch, gần 12 giờ trưa thì được dừng nghỉ. Lúc này, theo lệnh thủ trưởng, mọi người treo cờ làm lễ kết nạp Đảng cho tôi.

Dù trước đó viết lý lịch trong rừng, tôi đã mang niềm vui có Đảng trong tim, nhưng giây phút kết nạp giữa đường hành quân trong không khí rất khẩn trương, cảm giác thật thiêng liêng. Nhìn lên lá cờ Đảng được làm bằng giấy, tôi tự nhủ, dù khó khăn, gian khổ hay phải hy sinh cho đất nước, tôi luôn sẵn sàng. Vì vậy, khi được bầu làm Bí thư Chi bộ của buôn nghèo, tôi sẵn sàng nhận lấy khó khăn đó”.

Chi bộ buôn Ma Giai khi thành lập chỉ có 9 đảng viên, đến nay đã phát triển lên 26 đảng viên. Tiếp sau ông Hơm trong vai trò Bí thư Chi bộ là người “anh em cọc chèo” La O Khỏi (SN 1951). Ông Khỏi là con rể đầu của Ama Giai. Từng tham gia kháng chiến, tham gia xóa mù chữ cho bà con những năm trước và sau giải phóng, ông Khỏi thấu hiểu cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu và có phần thụ động của dân làng.

“Để dân có niềm tin vào Đảng, những đảng viên như mình phải sống thật uy tín, đàng hoàng, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”-ông nói.

Ngồi với chúng tôi dưới những bóng cổ thụ giữa khu rẫy rộng lớn, ông Khỏi chia sẻ: “Cái đói có lẽ là nỗi khổ nhất của người dân sau giải phóng. Vì vậy, hồi mới vận động dân từ núi cao về lập làng, bố vợ tôi đã chủ trương xóa đói cho dân trước. Nhưng đổi thay phải đến từ sự tiên phong của đảng viên nên mình phải đi đầu trong công cuộc này.

Buôn Ma Gia tuy bị bao bọc bốn phía là núi non trùng điệp nhưng có diện tích đất bằng phẳng, rất dễ làm ăn. Khó khăn duy nhất là việc làm nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào “nước trời”. Mình sống dựa vào nông nghiệp nên vừa thuận theo tự nhiên, vừa đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động. Từ đó, bà con học tập, làm theo. Chứ động viên, tuyên truyền bằng lời nói suông, họ không nghe đâu”.

Gia đình ông La O Khỏi hiện có 10 ha mì, mía, mè, đậu và 8 sào lúa nước cùng đàn bò hàng chục con. Từ làm nông nghiệp thủ công, ông bắt nhịp nhanh với công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa, mua máy móc phục vụ sản xuất, trở thành một trong những hộ khá giả nhất trong buôn.

Tinh thần “đảng viên đi trước” một lần nữa được thử thách khi gia đình ông Khỏi là 1 trong 6 hộ dân có đất nằm trong quy hoạch Dự án “Sắp xếp, bố trí ổn định các hộ dân tộc thiểu số du canh, du cư buôn Ma Giai”.

Ông cho biết, diện tích đất thu hồi của gia đình là 2,2 ha, gần bằng một nửa diện tích đất dự án. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh kế của gia đình. Nhưng vì sự an toàn của 60 hộ dân trong buôn, ông đồng thuận với chủ trương của Nhà nước.

Chỉ tay về khu tái định cư đang thành hình ngay sát chòi rẫy của gia đình, ông phấn chấn: “Sắp tới, bà con sống rải rác ở khu vực chân núi nguy hiểm sẽ về đây. Mình rất vui khi được đóng góp một phần đất đai cho người dân được sống ổn định, an cư lạc nghiệp”.

Buôn Ma Giai nằm gọn giữa thung lũng 4 bề là núi với sự khắc nghiệt về khí hậu, nhưng người Chăm H'roi trên vùng đất này kiên cường vượt qua khó khăn để gầy dựng cuộc sống mới. Ảnh: H.N

Buôn Ma Giai nằm gọn giữa thung lũng 4 bề là núi với sự khắc nghiệt về khí hậu, nhưng người Chăm H'roi trên vùng đất này kiên cường vượt qua khó khăn để gầy dựng cuộc sống mới. Ảnh: H.N

Sau gần nửa thế kỷ Ama Giai mở đất lập làng, thế hệ tiếp nối như ông Khỏi tiếp tục góp sức để kiến tạo diện mạo mới cho vùng căn cứ cách mạng Đất Bằng. Mạch nguồn cách mạng từ trong gia đình vẫn không ngừng được nuôi dưỡng, vun đắp. Hiện gia đình ông có 6 đảng viên trong số 26 đảng viên của chi bộ buôn và thế hệ kế tiếp vẫn tiếp tục phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Chị La O Thị Hoa-con gái ông Khỏi, người có gần 10 năm tuổi Đảng-chia sẻ: “Dù có làm Nhà nước hay chỉ là một người dân bình thường, chúng tôi đều phấn đấu để được kết nạp vào Đảng. Đó là vinh dự rất to lớn. Cha ông chúng tôi trưởng thành nhờ Đảng, nhờ cách mạng, có nhiều đóng góp được người dân ghi nhận. Đó cũng là tài sản tinh thần để lại cho con cháu.

Thế hệ chúng tôi luôn tuyệt đối tin tưởng vào ánh sáng của Đảng, vào con đường cha ông đã lựa chọn để tiếp tục phấn đấu vươn lên. Mỗi người đều có ý thức sống mẫu mực, không ngừng vươn lên để đóng góp cho quê hương như cha ông mình”.

Trong tiếng Chăm, “H’roi” là mặt trời mọc. Chăm H’roi tức người Chăm đến từ phía mặt trời mọc. Có lẽ nguồn gốc dân tộc cũng tạo nên cốt cách của con người. Người Chăm H’roi trong nửa thế kỷ mở đất, lập làng đã kiên cường chống chọi với sự khắc nghiệt của tự nhiên để không ngừng vươn lên, vững vàng như những ngọn Chư Uôn, Chư Cung, Chư Pan, như ngọn Hồng Liên sừng sững bao quanh buôn Ma Giai trên quê hương Đất Bằng anh hùng.

Anh La O Á-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ma Giai: “Có những đảng viên 60 năm, 50 năm, 30 năm tuổi Đảng như trong gia đình Ama Giai là vinh dự lớn đối với chi bộ buôn. Các thế hệ đảng viên trong gia đình ông luôn rất uy tín trong lời nói, hành động, nhất là đi đầu trong phát triển kinh tế và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của buôn. Gia đình Ama Giai là tấm gương để chúng tôi noi gương, góp sức xây dựng quê hương”.

Tag:

File đính kèm