Theo đó, Tổ trưởng Tổ công tác về phòng, chống lãng phí là ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Tổ phó gồm 3 Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định là các ông: Nguyễn Tuấn Thanh, Nguyễn Tự Công Hoàng và Lâm Hải Giang.
Ngoài ra, tổ công tác còn có các thành viên là thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các địa phương. Sở Tài chính là cơ quan thường trực giúp việc cho tổ công tác xây dựng quy chế làm việc, tổng hợp và xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thành viên tổ công tác chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống lãng phí của ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý và của cơ quan, đơn vị. Qua đó, gửi cho Sở Tài chính tổng hợp, theo dõi, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các vấn đề phát sinh vướng mắc, bất cập liên quan.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh Bình Định xây dựng kế hoạch thực hiện kế hoạch phòng, chống lãng phí trên địa bàn. Tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và xử lý, báo cáo cấp thẩm quyền xử lý các trường hợp để xảy ra lãng phí.
Mới đây, ngày 16.11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã kiểm tra hiện trường việc quản lý, sử dụng tài sản công tại một số đơn vị trên địa bàn TP. Quy Nhơn (Bình Định).
Trong số 9 cơ sở nhà, đất đang dôi dư, chưa sử dụng tại TP. Quy Nhơn mà đoàn công tác kiểm tra, có 8 cơ sở đã trình phương án xử lý lên UBND tỉnh Bình Định. Các cơ sở, gồm: Trung tâm Khuyến nông, trụ sở cũ tại số 127 Lê Hồng Phong; trụ sở cũ của Ban Quản lý khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại, do Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định quản lý; Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại; trụ sở làm việc của Trung tâm Xúc tiến thương mại cũ và trụ sở làm việc của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cũ do Sở Công thương quản lý; Văn phòng Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý do Sở Tư pháp quản lý; cơ sở nhà, đất của Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng cũ do Sở VH-TT quản lý; Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh.
Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công đẩy nhanh việc rà soát, sắp xếp tài sản công; xử lý nhà, đất, bố trí sử dụng, xử lý tài sản dôi dư theo đúng phương án được phê duyệt.
Nguyên tắc xử lý đối với cơ sở nhà, đất dôi dư là thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, đấu giá với mục đích sử dụng là đất ở, đất thương mại, dịch vụ… để tăng hiệu quả sử dụng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí.
Theo Hải Phong (TNO)