Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủyHà Giang; đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hà Giang cùng chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo Đoàn ĐBQH 9 tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND – UBND tỉnh; đại diện các thầy, cô giáo công tác tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị toạ đàm
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh uỷHà Giang nhấn mạnh: Trong những năm qua, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của Hà Giang dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ: “Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường, lớp học; tiếp tục đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non gắn với học tiếng phổ thông. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/TU, ngày 10/5/2021 về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 – 2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục để lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời; chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo giai đoạn 2023 - 2030 gắn với chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tham luận tại tọa đàm, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết và mong muốn Luật Nhà giáo sớm được ban hành. Dự thảo luật đã thể hiện những quy định mang tính toàn diện và chi tiết những yếu tố tác động lên nhà giáo. Đồng thời, quy định nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ hạn chế, bất cập trong công tác quản lý về giáo dục đối với nhà giáo. Một số nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý như: Các chính sách đối với nhà giáo, trong đó có chính sách nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với giáo viên mầm non và ở các cấp học khác khi không còn đủ khả năng lao động, nhất là giáo viên công tác ở các trường chuyên biệt; chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo để nhà giáo bảo đảm cuộc sống, yên tâm cống hiến cho nghề; việc định danh nhà giáo, trong đó đề xuất cán bộ quản lý giáo dục và một số nhân viên trường học cũng được định danh là nhà giáo và hưởng các chính sách của nhà giáo; việc cần thêm các quy định nhằm tăng tính bảo vệ của pháp luật đối với nhà giáo…
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng một luật riêng cho nhà giáo. Bởi vì hiện nay nhà giáo đang được quy định tại Luật Viên chức (đối với nhà giáo công lập) và Bộ luật Lao động (đối với nhà giáo ngoài công lập). Nhà giáo là viên chức nhưng phải được coi là viên chức đặc biệt, nhà giáo là người lao động nhưng phải là người lao động làm nghề đặc biệt. Đặc biệt ở trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ; đặc biệt trong tuyển dụng, thuyên chuyển, khen thưởng, kỷ luật. Quy định của Luật Nhà giáo sẽ có tác động rất lớn tới đội ngũ nhà giáo. Luật ra đời không chỉ để quản lý nhà giáo mà còn để xây dựng đội ngũ này giỏi hơn; tạo một khí thế mới, động lực mới, để nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, đồng chủ trì tọa đàm đã đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, tập trung của các đại biểu, đồng chí cho biết, đây là những căn cứ khoa học và thực tiễn rất có giá trị, ý nghĩa. Cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xem xét để đưa vào Dự thảo Luật trình Quốc hội sát với thực tiễn./.
Đỗ Hiền