Sign In

Ý Đảng lòng dân trong thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh

20:15 27/10/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Vì thế, chúng ta có trọng dân, yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Tôn trọng và tin tưởng nhân dân là tôn trọng và tin tưởng những người làm ra lịch sử”. Người từng căn dặn: “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Chính vì vậy Đảng phải bám sát vào đời sống người dân để đưa ra chủ trương, định hướng đúng đắn, từ đó không chỉ tăng thêm mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa dân với Đảng mà còn giúp Đảng thực hiện thắng lợi các nghị quyết đã đề ra.

Đây là phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng ta đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội là thông qua cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, “ý Đảng” xuất phát từ “lòng dân”, sức dân là nguồn cội tạo nên những thành tựu quan trọng của cách mạng Việt Nam. Bởi thước đo cho sự thành công của một nghị quyết khi được ban hành là giải quyết được thỏa đáng những vấn đề thực tiễn đang bức thiết đặt ra, đánh giá đúng tình hình thực tiễn, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá và khả thi trong từng giai đoạn cách mạng, tạo được sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng, thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; cách mạng đem lại những chuyển biến mới về lợi ích vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tháo gỡ được những khó khăn, thách thức, bảo đảm tính ổn định và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Hà Giang là một tỉnh vùng cao biên giới có địa bàn rộng, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn; sự đa dạng về thành phần dân tộc và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, cùng với điều kiện về vị trí địa lý tương đối cách biệt, địa hình phức tạp, nhiều hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống Nhân dân. Bên cạnh đó trình độ dân trí của một số bộ phận nhân dân còn thấp, một số hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào đời sống của bà con và mang yếu tố tâm linh nên khó có thể loại bỏ trong thời gian ngắn do vậy trong công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định; một số dân tộc, dòng họ còn chưa quyết tâm cao trong việc thay đổi những phong tục, hủ tục lạc hậu. Chính vì vậy, để bài trừ những những phong tục, hủ tục lạc hậu, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025

Việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận trong Nhân dân, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác động mạnh mẽ về nhận thức đối với Nhân dân trong công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu xây dựng nếp sống văn minh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và thực tế của mỗi địa phương. Ngoài ra, việc các thôn, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư đã có tác động mạnh mẽ tới việc thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ Nghị quyết số 27- NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp cơ sở, bám sát nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết triển khai thực hiện tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân được học tập, quán triệt, kết quả: 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động Nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời xóa bỏ những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ rườm rà trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các huyện, thành phố đã tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết bằng các hình thức như: Tổ chức hội nghị trực tuyến cấp huyện, xã nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn; tổ chức Hội nghị gặp mặt Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc; tổ chức các Hội thi dân vận khéo trong xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; đưa các đoàn đại biểu là các trưởng dòng họ, thầy chỉ đường, thầy khèn, thầy mo, thầy cúng, thầy tạo… đi học tập kinh nghiệm về cải tiến đám tang. Thông qua các hội nghị, hội thi, các đoàn học tập kinh nghiệm đã định hướng, thống nhất cách thức tuyên truyền, vận động thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh tại cơ sở.

Các buổi tuyên truyền lưu động được tổ chức tới thôn bản để đồng bào hiểu và dần xóa bỏ hủ tục

 

Sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của mình trong công tác lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân. Quyết liệt hơn, chủ động hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ nội dung, các nhiệm vụ cần triển khai trong thực hiện Nghị quyết trên địa bàn toàn tỉnh. Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã đổi mới các nội dung và phương thức tuyên truyền theo hướng cụ thể, thiết thực, bám sát cơ sở nắm chắc tình hình Nhân dân; xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đã chủ động, tự giác gương mẫu đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh; chủ động tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và cộng đồng xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu. Các tầng lớp Nhân dân đã nhận thức được hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc tổ chức, lễ cưới, lễ tang; hiểu rõ và xác định đúng hơn về các giá trị văn hóa cần lưu giữ, bảo tồn; trao truyền, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trong từng gia đình, dòng họ; cải tiến hoặc loại bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp. Đa số người dân đã ý thức được việc tự thực hiện và tuyên truyền, vận động người thân, cộng đồng trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã có sự phối hợp tổ chức thực hiện giữa các cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân như: Phối hợp tuyên truyền; xây dựng các nội dung tuyên truyền; rà soát, khảo sát các hủ tục, phong tục lạc hậu;...Công tác tuyên truyền vận động đã được các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp, đẩy mạnh; xây dựng các chương trình phối hợp, quan tâm đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Mô hình dân vận tại xã Cán Chu Phìn huyện Mèo Vạc

 

Nói về việc cụ thể hóa đưa Nghị quyết 27- NQ/TU vào cuộc sống, đồng chí Trần Đức Vương - Phó bí thư Đảng ủy xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ cho biết: "Trong thời gian qua, huyện Quản Bạ nói chung và xã Cao Mã Pờ nói riêng luôn chủ động, thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để kịp thời có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, nhất là những vấn đề nhạy cảm, vận động đồng bào không tin, không nghe những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, di cư tự do, mê tín dị đoan, theo tà đạo, đạo lạ…Huyện Quản Bạ cũng như xã Cao Mã Pờ đã thực sự quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì các hoạt động lễ hội, thể thao dân gian, truyền thống các dân tộc, rà soát, bổ sung nội dung bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu vào các hương ước, qui ước của thôn, bản, xã, phù hợp với thực tế từng địa phương, dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, gương người tốt, việc tốt, tích cực tham gia lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, thực hiện nếp sống văn minh, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn để tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của một xã biên giới giầu truyền thống có tác động lan tỏa được nhân dân đồng tình hưởng ứng".

Thực hiện Nghị quyết 27- NQ/TU đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong đời sống xã hội. Việc tổ chức các đám cưới, đám hỏi cơ bản được tổ chức theo nếp sống văn minh, trang trọng, tiết kiệm, đúng Luật hôn nhân và gia đình và hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư; các nghi lễ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm, lịch sự, văn minh, không ép rượu trong lễ cưới (nhất là khi thực hiện các thủ tục truyền thống), phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc; các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục kéo vợ, những nghi lễ rườm rà gây lãng phí, nạn thách cưới cao, tổ chức đám cưới nhiều ngày của đồng bào các dân tộc dần được hạn chế và có bước chuyển biến tích cực; tục thách cưới cao đã giảm; tục ép hôn, gả bán hầu như không còn ở đa số các dân tộc. Năm 2017, tỉnh có 5.818 cặp kết hôn, trong đó có tới 424 cặp tảo hôn, hai cặp hôn nhân cận huyết thống thì đến năm 2023, tỉnh có 5.399 cặp kết hôn, có 133 cặp kết hôn tảo hôn và chỉ còn một cặp hôn nhân cận huyết thống. Trước đây người Mông ăn uống kéo dài 2 đến 3 ngày, hiện nay chỉ ăn 1 bữa chính, cơ bản đã bỏ tục ép rượu khi đón dâu; dân tộc Bố y tổ chức lễ dặm ngõ ăn uống từ 2 đến 3 bữa xuống còn 01 bữa trước khi tổ chức cưới; dân tộc Dao đã giảm tục xin dâu từ 3 ngày 3 đêm xuống còn 01 ngày, đã bỏ được tục uống rượu quỳ, không còn tình trạng thách cưới cao…

Trong việc tang, với phương châm “lấy xây để chống”,lấy cái đẹp - dẹp cái xấu”, “để người dân trực tiếp nói cho người dân nghe”, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, trưởng dòng họ, thầy cúng và sự vào cuộc của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các đám tang đã thay đổi phù hợp với nếp sống văn minh hiện nay; đại đa số Nhân dân đã có những nhận thức tích cực, có ý thức chấp hành các quy định của nhà nước và quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố về thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc tang; một số nghi thức rườm rà trong lễ tang đã được cắt giảm, cải tiến, một số hủ tục lạc hậu từng bước được xoá bỏ; giảm thiểu việc ăn uống dài ngày, giảm tình trạng mổ trâu, bò, giết nhiều gia súc gia cầm làm lễ; giảm các nghi lễ cầu kỳ mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Mông, việc tổ chức tang lễ có những chuyển biến theo hướng văn minh, tiến bộ; một số dòng họ thực hiện tốt việc đưa người chết vào áo quan. Những hủ tục lạc hậu, rườm rà trong phúng viếng; đi lễ, trả lễ tốn kém đã được tuyên truyền vận động thay đổi hình thức phúng viếng sang các hình thức khác đơn giản phù hợp, thiết thực với hoàn cảnh và điều kiện của các hộ gia đình. Tại địa bàn thành phố Hà Giang và một số huyện vùng thấp hầu như không còn việc đi viếng bằng vòng hoa, bức chướng, giảm tối đa tình trạng rải vàng mã, tiền Việt Nam đồng khi đưa tang; không mở loa to, việc lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường đã giảm; một số gia đình khi có người chết đã đưa đi hỏa táng trước rồi về làm lễ tang sau… Một số địa phương thực hiện thành lập Ban tang lễ tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện quy hoạch nghĩa trang tập thể tại các thôn, bản.

Bà Đặng Thị Dung, người dân tổ 4, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang bày tỏ vui mừng: “Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực sự đã mang đến cho người dân thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Điều thay đổi dễ thấy nhất trong đời sống người dân đó là việc gia đình không nhận vòng hoa, bức trướng khi có đám tang đã tránh được tình trạng lãng phí, giảm ô nhiễm môi trường; nhiều gia đình có người thân là lãnh đạo các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện. Đây là Nghị quyết đúng với tâm tư của người dân chúng tôi nên chúng tôi sẵn sàng làm theo”.

Trong tổ chức lễ hội, việc tổ chức các Lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra trang nghiêm, đúng nghi thức, không phô trương lãng phí, các lễ hội đều thu hút đông đảo Nhân dân hưởng ứng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, thời gian tổ chức tùy theo thành phần dân tộc, điều kiện, đặc điểm văn hóa từng vùng, tại các lễ hội không có tình trạng tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, vụ lợi, không tổ chức các hoạt động trái với truyền thống văn hóa các dân tộc, không có tình trạng các hoạt động mê tín dị đoan tại khu vực lễ hội; các lễ hội, nghi lễ văn hóa dân gian truyền thống tiếp tục được bảo tồn, duy trì và phát huy. Công tác quản lý tài chính được công khai, minh bạch, tiền công đức, giọt dầu sử dụng đúng mục đích, không xảy ra tiêu cực về thu, chi trong các hoạt động lễ hội; nguồn kinh phí thu được từ lễ hội được dùng tái tu bổ di tích và tổ chức lễ hội, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện trước, trong và sau các kỳ lễ hội nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hiện tượng trong lễ hội có tính tiêu cực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, trái quy định của pháp luật.

Trong đời sống sinh hoạt,Nhân dân đã thực hiện cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường; tích cực cải tạo vườn tạp, chủ động thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu...; làm chuồng trại nuôi nhốt, không thả rông gia súc. Công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân như: Ăn ở hợp vệ sinh, thực hiện tốt việc di dời chuồng trại ra xa nhà, xây dựng hố chứa phân, chất thải, lò đốt rác, không xả rác, chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường được triển khai sâu rộng, nhân dân luôn đồng tình hưởng ứng và có hiệu quả. Đồng bào các dân tộc tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giảm nghèo bền vững; tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó nhận thức của đồng bào các dân tộc được nâng lên, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ, cách làm; giữ gìn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bảo tồn và phát huy giá trị, nét đẹp văn hoá đặc trưng của dân tộc, như: Sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong giao tiếp hàng ngày, tự may trang phục dân tộc và mặc trong những ngày hội, lễ, tết; làm nhà ở theo kiến trúc truyền thống của dân tộc; thành lập các đội văn nghệ để biểu diễn phục vụ sinh hoạt văn hoá, văn nghệ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân và khách du lịch, góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương…đã tuyên truyền vận động được 454 hộ dân bỏ, không theo các tà đạo, đạo lạ quay trở lại với phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống dân tộc; vận động cải tạo, di dời 10.220 chuồng trại ra xa nhà ở; cải tạo, làm mới 10.845 công trình vệ sinh; cải tạo, làm mới 9.516 nhà tắm; huy động tổng vệ sinh, bảo vệ môi trường được 18.191 buổi.

 

Nghị quyết 27 mới chỉ được triển khai hơn 2 năm nhưng “sức mạnh” tạo ra không hề nhỏ. Những thay đổi tích cực trong đời sống đồng bào các Nhân dân các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Hà Giang hôm nay khẳng định chủ trương hợp ý Đảng - lòng Dân. Đây là cơ sở vững chắc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; đồng thời tạo tiền đề quan trọng để Hà Giang đoàn kết, đồng hành cùng cả nước vững bước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.                                                                

Tag:

File đính kèm