Sign In

Kết quả giảm nghèo vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

15:10 25/11/2024
Là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình hiểm trở, điều kiện KT - XH còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và người dân, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo.

Theo báo cáo từ Sở Lao động - TBXH, tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh ta đã giảm đáng kể qua từng năm, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cuối năm 2021 giảm từ 22,29% xuống còn 18,54%. Năm 2022, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, theo kết quả rà soát, cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 và 2023 toàn tỉnh giảm từ 55,12% xuống còn 42,61%, giảm 12,51%, (trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số giảm từ 72,39% xuống còn 49,23%, giảm 23,16%; bình quân mỗi năm giảm 6,23%). Tỷ lệ nghèo đa chiều cuối năm 2023 còn 42,61% (Số hộ nghèo 59.496 hộ, chiếm tỷ lệ 31,12%; số hộ cận nghèo 21.955 hộ, chiếm tỷ lệ 11,49% tổng số hộ toàn tỉnh).

Anh Vừ Mí Trá, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn) chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng nho.

Giai đoạn 2022-2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,12% xuống còn 36,41%, giảm 18,71%, giảm bình quân 6,24%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu hằng năm giảm bình quân 4,0% tỷ lệ hộ nghèo).

Triển khai các chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được UBND tỉnh, các ngành chức năng thực hiện thường xuyên, thể hiện thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ; công tác kiểm tra, giám sát, thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, tham mưu chuyển nguồn vốn sự nghiệp từ các dự án không còn đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện để giải ngân theo quy định để chuyển sang thực hiện các dự án thành phần của Chương trình theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải ngân, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình.

Năm 2024, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về việc giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 và việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024, trên cơ sở Nghị quyết số 03, ngày 27.5.2022 của HĐND tỉnh, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSNN thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định phân bổ vốn ngân sách năm 2024 thực hiện 3 chương trình MTQG. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2024 là 1.208.534 triệu đồng (vốn năm 2024 và vốn năm 2023 chuyển sang); trong đó vốn đầu tư phát triển 623.211 triệu đồng, vốn sự nghiệp 585.323 triệu đồng.

Anh Hầu Mí Xay, thôn Bản Bó, xã Yên Định (Bắc Mê) chăn nuôi theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả giải ngân đến 31.10.2024 là 586.272/1.208.534 triệu đồng, đạt 48,5% kế hoạch vốn; trong đó vốn đầu tư phát triển 240.367/623.211 triệu đồng, đạt 38,6% kế hoạch vốn, vốn sự nghiệp 345.905/585.323 triệu đồng, đạt 59,1% kế hoạch. Ước giải ngân hết năm 2024 đạt 1.084.851/1.208.534 triệu đồng, đạt 89,8% kế hoạch; trong đó vốn đầu tư phát triển 538.037/623.211 triệu đồng, đạt 86,3% kế hoạch, vốn sự nghiệp 546.814/585.323 triệu đồng, đạt 93,4% kê hoạch.

Từ nguồn đầu tư, hỗ trợ của nhà nước tỉnh ta đã xây dựng các công trình giao thông, trường học, trạm y tế tại các địa phương, đặc biệt là các huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần… đã cải thiện đáng kể điều kiện sống của người dân. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp đã giúp kết nối các vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Để phát triển sinh kế bền vững, tỉnh ta cũng đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân như chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ dân đã được hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật canh tác và vốn vay ưu đãi, từ đó từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng cao, giảm thiểu tình trạng bỏ học thông qua việc xây dựng trường nội trú và bán trú.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, tỉnh ta vẫn còn đối mặt với những khó khăn như: Địa hình phức tạp và điều kiện thời tiết khắc nghiệt là rào cản cho phát triển kinh tế. Một bộ phận dân cư còn trông chờ, phụ thuộc vào hỗ trợ từ nhà nước, trong khi việc duy trì bền vững các dự án giảm nghèo vẫn cần sự giám sát và điều chỉnh kịp thời.

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững cho cả giai đoạn 2021 - 2025, hiện tỉnh ta đang xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2025, trong đó đầu tư hoàn thiện các công trình đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch. Tập trung triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế; tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm; triển khai hỗ trợ nhà ở cho huyện nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành trong việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững...

Kết quả giảm nghèo bền vững ở tỉnh ta không chỉ là minh chứng cho sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, người dân và cả hệ thống chính trị, mà còn khẳng định tính đúng đắn của các chính sách phát triển bền vững.

Bài, ảnh:  VĂN NGHỊ

Tag:

File đính kèm