Bác Hồ tới dự và phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân các dân tộc Tây Bắc tổ chức tại thị xã Sơn La chào mừng Người lên thăm Sơn La và dự Lễ kỷ niệm lần thứ 5 ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1959). Ảnh tư liệu
Về nhiệm vụ của công tác tuyên truyền, Bác khẳng định: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó để nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục tiêu đó là tuyên truyền thất bại” [1]. Đồng bào các dân tộc ở miền núi trước Cách mạng tháng Tám cũng như trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp rồi chống Mỹ, đã chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, hi sinh để nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che cán bộ, bộ đội, cũng như xây dựng, bảo vệ căn cứ địa cách mạng của cả nước. Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, của Bác, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã có những thay đổi, song vẫn còn nhiều khó khăn. Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền tại địa bàn miền núi, góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc, tháng 8-1963, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác tuyên giáo miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện thân mật với các đại biểu.
Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của miền núi nước ta và những đặc điểm của đồng bào, Bác chỉ rõ “công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”[2]. Việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền rất quan trọng vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên truyền, mỗi đối tượng có một cách tuyên truyền khác nhau. Tuyên truyền cho đồng bào miền núi khác, đồng bào miền xuôi khác, thậm chí có khi cùng là tỉnh miền núi nhưng đối với đồng bào khác nhau, thì cách tuyên truyền phải khác nhau “tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, trình độ của đồng bào Mèo và Thái khác nhau, cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác”[3].
Về nhiệm vụ của công tác tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tóm tắt ngắn gọn và đơn giản những vấn đề cơ bản nhất của công tác tuyên truyền, huấn luyện ở miền núi lúc bấy giờ để giúp các cán bộ có cái nhìn toàn diện về công tác tuyên truyền nói riêng và sự nghiệp cách mạng ở miền núi nói chung. Mỗi giai đoạn cách mạng có mục đích và nhiệm vụ tuyên truyền, huấn luyện khác nhau: “Trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để làm độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”[4]. Còn nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: “Một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào”[5].
Để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu thì tuyên truyền phải có tính chất quần chúng “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được… Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ”[6]. Nếu“nói hay mà không hiểu”thì cũng không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”. Từ thực tiễn của đồng bào miền núi, Bác rút ra kết luận:“Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”[7]. Trong những lần tuyên truyền cho đồng bào, Bác thường chọn cách tuyên truyền bằng ví dụ cụ thể, gần gũi với đời sống hàng ngày để đưa khái niệm lý luận trừu tượng đến gần với đời sống của nhân dân, giảng giải cho nhân dân thấm nhuần đường lối.
Bên cạnh việc xác định nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến vai trò có ý nghĩa quyết định của người tuyên truyền. Bác quan niệm tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt: Thứ nhất là, nhận thức về mục đích và vai trò của tuyên truyền. Thứ hai là, phương pháp tuyên truyền. Thứ ba là, yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt luôn luôn thống nhất với nhau, liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp tuyên truyền.
Quá trình từ nhận thức đến phương pháp tuyên truyền đều thông qua con người cụ thể, do đó, người tuyên truyền là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Cán bộ tuyên truyền là những ai? Nói về lực lượng này, Bác cho rằng, không chỉ riêng cán bộ làm công tác tuyên truyền mà “Bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước. Và mỗi người cần phải là người tuyên truyền cách cải tiến đời sống của đồng bào”[8]. Cán bộ tuyên truyền đi làm việc chỗ nào cần học tiếng ở đấy, để nói chuyện, để hòa mình với đời sống đồng bào, có gần gũi như thế mới được đồng bào tin cậy, mến phục, mới gây được mối thiện cảm bền lâu: “Cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy. Thí dụ: Các chú đi tuyên truyền ở nơi đồng bào Mèo, mà phải có một người phiên dịch thì không ăn thua. Bởi vì người phiên dịch ấy chưa chắc đã phiên dịch hết ý của chú, có khi phiên dịch lại sai đi nữa là khác. Cứ làm như thế cũng không gây được tình cảm thân thiết giữa cán bộ với quần chúng”[9].
Trong công tác tuyên truyền, cán bộ là khâu quyết định thành công, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền lại là đạo đức. Bác căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm”[10]. Nếu cán bộ tuyên truyền thiếu tinh thần ấy, sẽ mất đi sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, không những không đạt được mục đích tuyên truyền mà có khi còn gây tác dụng ngược lại. Người tin tưởng nếu có tình yêu thương đồng chí, đồng bào chân thành, có nhiệt tình cách mạng, những cán bộ làm công tác tuyên truyền chắc chắn sẽ phải trăn trở suy nghĩ, tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực. Và chỉ khi hết lòng yêu thương nhân dân, cán bộ tuyên truyền mới thật sự là một phần của quần chúng, mới hiểu sâu sắc những thiếu thốn, những ước mong của quần chúng để báo cáo lại với Đảng, với Chính phủ tìm cách giúp đỡ nhân dân.
***********
60 năm (1963-2023), những lời căn dặn, chỉ bảo của Bác tại Hội nghị chuyên đề về công tác tuyên giáo miền núi vẫn vẹn nguyên giá trị. Bài nói chuyện của Người trở thành nền tảng lý luận soi đường cho công tác tuyên truyền của Đảng nói chung và công tác tuyên truyền giáo dục cho đồng bào miền núi nói riêng. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, công tác tuyên giáo của Đảng vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng, công tác tuyên truyền cho đồng bào miền núi lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc ở miền núi; cổ vũ, động viên đồng bào thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước; đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 5, tr.1962.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.159.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.159.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.161.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.162.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.161.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.169.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.168.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.168.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H. 2011,tập 14, tr.159.
TS. DƯƠNG MINH HUỆ - HỌC VIỆN CTQG HỒ CHÍ MINH