Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Kính thưa đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và quý đại biểu tham dự hội nghị!
Sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, với tinh thần nghiêm túc, khoa học, dân chủ và tràn đầy cảm hứng, Hội nghị Văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023 đã hoàn thành chương trình và các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và kỳ vọng sâu sắc của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi chân thành cảm ơn và tiếp thu đầy đủ 7 nhóm ý kiến chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các ban, sở, ngành, địa phương, các nghệ nhân trong toàn tỉnh đã có nhiều bài tham luận chất lượng, với hàm lượng khoa học cao, phản ánh khá toàn diện về thực trạng, giải pháp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Hà Giang, góp phần làm nên thành công của hội nghị.
Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí!
Nhìn lại những giá trị của văn hóa và sức mạnh của con người Hà Giang được kết tinh từ mồ hôi, xương máu tiền nhân qua hàng nghìn năm cho chúng ta niềm tin và khát vọng lớn lao vào hành trình chúng ta đang đi. Chính bản lĩnh và khát vọng của lớp lớp các thế hệ cha ông đã làm cho “đá nở hoa” trên mảnh đất biên cương hùng vĩ và nên thơ này. Nhịp bước cùng đất nước trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới đang đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen. Bối cảnh mới đòi hỏi một tâm thế, tầm nhìn, khát vọng và quyết tâm to lớn hơn nữa của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.
Khắc ghi 8 điều Bác Hồ căn dặn khi về thăm Hà Giang hơn 62 năm trước; tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, quan điểm của Trung ương tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác văn hóa; phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, các nhà quản lý, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; hướng đến mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc và đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước; thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang tiếp tục chung sức, đồng lòng, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý lĩnh vực văn hóa. Đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng bộ hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh của tỉnh. Huy động nguồn lực đầu tư thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển văn hóa, nhất là khơi thông nguồn lực xã hội. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa và du lịch của tỉnh.
Thứ hai, vận dụng và triển khai thực hiện có hiệu quả hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Giang. Trong đó, tổ chức nghiên cứu, xác định các giá trị văn hóa, giá trị chuẩn mực con người Hà Giang, từ đó định vị những giá trị truyền thống được lưu giữ; những giá trị hiện tại do điều kiện khách quan quy định; và những giá trị định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt, tạo nền tảng, định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang phát triển toàn diện, bảo đảm tính đa dạng trong thống nhất của văn hóa các dân tộc anh em; chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, đồng thời linh hoạt trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hoá từ bên ngoài trong quá trình phát triển và hội nhập.
Thứ ba, đặc biệt quan tâm và triển khai các giải pháp đồng bộ, đột phá trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các di sản đã được vinh danh, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Xác định quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ và kết nối cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành trong khu vực. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm và tôn trọng các giá trị nguyên gốc, xây dựng và củng cố vành đai văn hóa biên cương. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình Hội Nghệ nhân dân gian các cấp và phát huy mạnh mẽ vai trò của người có uy tín trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng trong nhà trường và trong thế hệ trẻ. Huy động nguồn lực xây dựng và khai thác hiệu quả các làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu của các dân tộc, phù hợp với 3 vùng cảnh quan của tỉnh và từng bước nghiên cứu, thí điểm xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng đa dân tộc. Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số về văn hóa; tạo nền tảng xây dựng và phát triển văn hóa số bền vững.
Thứ tư, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tập trung xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị gắn với tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Các địa phương, đơn vị tập trung cao độ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với bài trừ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân trên đại bàn toàn tỉnh. Quan tâm đúng mực văn hóa ứng xử, gắn việc thực hiện các quy định của pháp luật với hương ước, quy ước; giữ gìn thuần phong, mỹ tục, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, phát huy truyền thống đoàn kết quý báu theo lời Bác Hồ căn dặn. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật trên địa bàn dân cư. Huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức trong nhiệm vụ thiết kế các không gian cảnh quan sinh tồn đậm đà bản sắc; sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giá trị văn hóa đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đa dạng hóa các hoạt động văn hóa đối ngoại gắn với việc bảo vệ an ninh văn hóa. Phát huy lợi thế của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của đất và người Hà Giang nói riêng, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam nói chung ra thế giới.
Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí!
Hội nghị Văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023 là diễn đàn quan trọng để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định rõ tâm thế và trách nhiệm, đồng tâm hiệp lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thượng Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị; tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh và chủ động tham vấn các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn, tham mưu Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; đồng thời tham mưu những giải pháp cụ thể để sớm đưa nội dung Hội nghị Văn hóa vào cuộc sống.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần chủ động, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành, địa phương, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm cơ quan chủ trì tham mưu, góp phần thành công của Hội nghị. Tôi mong muốn và tin tưởng sâu sắc rằng, thành công của Hội nghị sẽ được lan tỏa sâu rộng, tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy văn hóa Hà Giang phát triển và tỏa sáng; đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.
Một lần nữa thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, xin chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban, bộ, ngành ở Trung ương, các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, quý vị đại biểu, các cơ quan báo chí và Nhân dân trong toàn tỉnh sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!