Xin chị cho biết, nhận thức của chị em trong việc đi khám thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn xã Pả Vi thay đổi như thế nào trong những năm qua?
Hiện tại Pả Vi đang có hơn 300 chị em trong độ tuổi sinh sản, trong thai kỳ thì năm nay có 27 chị. Nhận thức của chị em còn rất hạn chế, không đi khám thai định kỳ, có một vài bé không được khám đầy đủ, sinh ra còn hơi yếu. Những năm qua nhận được công tác tuyên truyền từ cán bộ hội phụ nữ xã cũng như các ban ngành đoàn thể của xã, chị em cũng nâng cao được nhận thức của bản thân cũng như cho gia đình, chị em cũng đi khám đầy đủ hơn. Những thôn gần đây, nhiều người có hiểu biết họ đã tự đi khám, có thôn mình chỉ cần nói một lần họ đã tự đi khám ba lần cho cả thai kì luôn.
- Hội LHPN xã Pả Vi đã bắt đầu cuộc vận động, tuyên truyền khám thai định kỳ trên địa bàn xã như thế nào, thưa bà?
Vấn đề này cũng thực hiện nhiều năm rồi. Ít nhất 3 năm trở lại đây, công tác tuyên truyền đi khám thai định kỳ cho chị em được thực hiện thường xuyên, hàng tháng, hàng năm. Có rất nhiều khó khăn, địa bàn không tập trung, đi lại rất khó khăn, nhận thực của chị em còn hạn chế, ở xa đường đi lại xấu, mình thì có thể đi xe được nhưng chị em nhiều người không có xe nên họ đi lại rất là vất vả. Đi xa, đang mang thai còn mệt nên nhiều khi họ còn nghĩ là con không sao, không cần phải đi nên nhiều lúc mẹ mà yếu mình còn phải đi đón. Đường xấu, phải đường nào mình đi được mình mới chở, còn lại cũng phải nhờ anh em khác.
- Như chị chia sẻ, có quá nhiều khó khăn về địa hình, đường xá, chị có thể nói cụ thể hơn để mọi người cùng hình dung thêm về công cuộc vận động, tuyên truyền của mình?
Trong công tác vận động chị em đi khám thai cũng có những khó khăn nhất định, lúc đầu mới về đây đường rất xấu, việc di chuyển vào địa bàn vô cùng khó khăn nên nhiều khi phải đi bộ vào. Việc vận động những chị sinh con thứ 3 đi khám thai là gian nan. Con trước người ta đã không đi khám rồi, đương nhiên con sau người ta cũng không đi khám. Thậm chí là không muốn đi, khi mình đến nhà họ còn đuổi mình. Mình phải nói chuyện với những người xung quanh, lấy dẫn chứng của những bạn trẻ hơn khoảng 2-3 tuổi, đi khám về, đẻ con ra biết cách chăm sóc, mua thêm thuốc bổ về uống bổ sung cho con, phải đưa dẫn chứng ra, dần dần họ mới hiểu được.
- Đối với công cuộc vận động chị em đi khám thai định kỳ thì đối tượng nào là mình khó vận động nhất?
Đối tượng ngại đi khám là các chị có tuổi rồi xong lỡ có bầu. Khi tiếp cận họ thì mình không thể nói trực tiếp luôn là 'chị ơi, chị đi khám thai đi!' mà mình vào nói chuyện tỉ tê, chuyện trên trời dưới biển, cứ nói dần, chị bao nhiêu tháng rồi, chị sinh bé thứ mấy?... Nói nhiều câu chuyện xong bắt đầu vào câu chuyện chính, nói chung phải hỏi rất là khéo thì người ta mới nói. Ví dụ như: Chị ơi, chị sinh bé thứ mấy rồi, em này, em sinh bé thứ 2, đi khám suốt mà có sao đâu, bác sĩ người ta nhiệt tình lắm.
Nói chung rào cản là vẫn còn chút tư tưởng phong kiến, chồng phải tạo tâm lý thoải mái mới đi chứ không chồng lại cứ bắt làm việc này việc kia, có một vài trường hợp chồng không cho đi. Chồng bảo không có thời gian, không đi đâu, phải làm việc, ngày xưa người ta không đi khám có sao đâu. Chị em có nhiều người cũng nghĩ như thế.
Mình đi vào nắm bắt tình hình, sau đó giao cho chi hội trưởng của thôn và cũng thường xuyên nói chuyện. Mình đi nói chuyện với chồng khó thì mình lại nhờ anh em cán bộ nam ở xã đi nói chuyện cùng. Còn ở mấy thôn vùng cao không có sóng, hầu như mình là người địa phương thì chỉ phát sóng bằng tiếng địa phương, nói chuyện với họ thôi, không dùng zalo, facebook được. Ở thôn khi nào có video nào phù hợp thì mang theo loa kéo, đi tuyên truyền, phải cài vào điện thoại xong mở bluetooth.
Để vận động chị em đi khám thai định kỳ, cán bộ hội phụ nữ tại nhiều xã vùng cao đã phải mất thời gian hàng tháng trời lặn lội trên nương, trên bản.
Đã có lúc nào chị cảm thấy quá mệt mỏi với công việc này chưa?
Nói chung là muôn vàn câu chuyện, có những lúc nói đi nói lại rồi, đi lần 1 không có nhà, đi lần 2 thì cũng cố chờ nhưng vẫn cứ thái độ các kiểu, nó cứ đi làm việc xong không thèm tiếp chuyện với mình. Trong tâm lý mình nghĩ họ thái độ với mình như kiểu mình đang đi xin xỏ họ cái gì, cũng rất là buồn. Nhưng để làm tốt nhiệm vụ của mình, cũng cố gắng đi một lần không được, 2 lần không được, thì đi lần thứ 3.
- Động lực nào để chị cố gắng nhiều như vậy?
Mình nghĩ là như bản thân có thai, cũng có con, cũng đi khám đầy đủ, đến lúc đẻ ra nhiều khi mình còn bỡ ngỡ, còn cảm thấy mình chăm sóc chưa được kỹ càng, nên nghĩ họ ở thôn chắc chắn nhận thức của họ còn ít hơn nên cố gắng tuyên truyền để họ hiểu làm thế nào chăm sóc con cái họ được tốt hơn. Nghĩ như vậy nên vẫn cứ phải đi tuyên truyền để họ đi khám.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Anh Đào, Báo Phụ nữ Việt Nam