Sign In

Triển khai Đề án 06 của Chính phủ: Quyết tâm tháo gỡ “nút thắt”

07:22 06/08/2024
Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, tỉnh ta huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp; nhận thức, hành động của các cấp, ngành và nhân dân chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ để khơi thông những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện.

Nhận diện “nút thắt”

Cán bộ Công an xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) phát tờ rơi, hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai; phân công nhiệm vụ và đề ra lộ trình thực hiện cụ thể đối với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Với quyết tâm cao, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện và đang duy trì 60/83 nhiệm vụ, đạt 72%; thực hiện 23/33 mô hình của Đề án 06, đạt 70%. Kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết trực tuyến đạt 89,8%, tăng 6,2% so với năm 2023; tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 99,1%, tăng 1,4% so với năm 2023.

Một số tiêu chí của Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ cao, như: Tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn đạt 97,6%, tăng 6,9% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 95%, tăng 19,6% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu 45% so với nghị quyết của Chính phủ. Mức độ hài lòng của người dân trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đạt 97,6%, tăng 7% so với năm 2023; mức độ hài lòng của người dân trong trả lời phản ánh, kiến nghị đạt 100%, tăng 2% so với năm 2023. Kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu toàn tỉnh đạt tỷ lệ 95,6%, tăng 18,6% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu 70% được giao; 100% các ngành, địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu.

Các “nút thắt” hiện nay được tỉnh nhận diện đó là còn 23/83 chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06 năm 2024 chưa hoàn thành. Một số tiêu chí đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa chuyển biến so với năm 2023, nhất là kết quả công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC; kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã được số hóa; kết quả tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đối với một số dịch vụ công thiết yếu của một số địa phương đạt thấp. Tỷ lệ đối tượng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả viện phí, chi trả chính sách an sinh xã hội của một số địa phương còn thấp…

Nỗ lực tháo gỡ

Cán bộ phòng PC 06 Công an tỉnh Hà Giang thu thập thông tin sinh trắc học cho công dân đến làm căn cước mới theo luật căn cước 2023.

Thẳng thắn chỉ rõ người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa sâu sát, chưa chỉ đạo quyết liệt, đồng đều các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; công tác kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời. Đề án 06 với nhiều nội dung mới, liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin nên một số đơn vị, địa phương còn bị động, lúng túng, phụ thuộc vào hướng dẫn của các bộ, ngành dẫn đến chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để thực hiện Đề án 06 cũng như chuyển đổi số ở các đơn vị, địa phương hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Mặt khác, tỉnh gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống, cơ sở vật chất; địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi, núi, giao thông đi lại giữa các địa bàn, địa phương khó khăn; nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, một bộ phận người dân chưa biết đọc, biết viết, biết tiếng phổ thông; một bộ phận không nhỏ người dân không có điện thoại di động, chưa có điều kiện tiếp cận với internet. Cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn lực hạn chế; trang thiết bị về công nghệ thông tin thiếu, lạc hậu; còn nhiều thôn, bản chưa có sóng viễn thông; hàng trăm thôn, bản chưa có điện lưới…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ Đề án 06; tăng cường phối hợp, trao đổi giữa các cấp, ngành. Thường xuyên rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là 23 nhiệm vụ chưa hoàn thành và những chỉ tiêu, nhiệm vụ còn hạn chế, yếu kém, chậm tiến độ để chấn chỉnh, khắc phục; làm tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho cấp cơ sở. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia thực hiện Đề án 06 ở 3 cấp, nhất là về trình độ công nghệ thông tin, việc thực hiện quy trình dịch vụ công trực tuyến, số hóa và tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC.

Kim Tiến

Tag:

File đính kèm