CTTBTG - Bao đời nay, nghề trồng bông, dệt vải đã trở thành nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc của người La Chí tỉnh Hà Giang. Từ những dụng cụ thô sơ, thông qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ La Chí đã tạo ra những sản phẩm dệt với màu sắc và hoa văn phong phú, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi vạt áo, gấu quần được thêu họa tiết tỉ mỉ, chỉn chu bởi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ La Chí đã gửi gắm biết bao tâm tình, nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây, được coi là “hồn cốt” góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người La Chí. Đây không chỉ đơn thuần tạo ra những bộ trang phục truyền thống mà còn chứa đựng văn hóa, thể hiện nếp sống, nếp nghĩ, tín ngưỡng của dân tộc.
Phụ nữ Na Chí xã Bản Phùng giữ gìn, phát huy nghề dệt, may, thêu trang phục truyền thống
Chị Vàng Thị Nề thôn Na Pha, xã Bản Phùng cho biết đối với người La Chí, thêu thùa, may vá là một trong những tiêu đánh giá sự khéo léo và chăm chỉ của phụ nữ La Chí. Hồi nhỏ được xem bà với mẹ may thêu, đến khi lớn chút, chị được mẹ dạy cho thêu thùa, may vá, vì thế phụ nữ La Chí ai cũng biết thêu thùa, may vá, đến nay chị dạy lại cho con gái của mình đây cũng là cách để thế hệ người La Chí lưu giữ được nghề dệt truyền thống của dân tộc.
Trang phục truyền thống được sử dụng vào hoạt động thường ngày
Đến Bản Phùng, dọc theo cung đường chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ La Chí sử dụng trang phục truyền thống của mình khá phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu không vào những ngày mùa bận rộn, không khó để du khách thấy hình ảnh các cụ bà, các cô gái người La Chí ngồi tỉ mẩn dệt bông, tỷ mẩm với từng đường kim, mũi chỉ ngay bên hiên nhà. Toàn bộ quá trình đều được làm thủ công cùng những công cụ thô sơ; để làm ra những bộ trang phục truyền thống phải trải qua rất nhiều công đoạn như: trồng bông trên những thửa bậc thang, sau khi thu hoạch bông sẽ được tách hạt và đem phơi khô, kéo sợi thành những cuộn thoi, từ những sợi chỉ mỏng manh, người phụ nữ tiếp tục dệt để có được một tấm vải thô ưng ý. Những tấm vải thô sau đó được đem nhuộm chàm và cuối cùng là may thành những bộ trang phục. Toàn bộ quá trình đều được làm thủ công cùng những công cụ thô sơ, thông thường, để tạo ra một bộ quần áo, người phụ nữ La Chí phải làm liên tục trong nhiều tháng mới có thể hoàn thành. Trang phục của người La Chí đơn giản, không cầu kỳ. Đàn ông và phụ nữ La Chí đều có trang phục màu đen, các mẫu hoa văn trên trang phục người phụ nữ La Chí là những hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám kết hợp với các đường viền. Các họa tiết hoa văn này chủ yếu được thêu ở hai bên cổ áo và yếm tạo nên sự mềm mại cho bộ trang phục của phái nữ.
Người phụ nữ Na Chí bên khung dệt
Chị Vương Thị Lan - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bản Phùng cho biết để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình những năm gần đây Hội liên hiệp phụ nữ xã đã phối hợp với các đơn vị trường học mở lớp dệt thổ cẩm dân tộc cho các em học sinh vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa trong tuần, khuyến khích hội viên truyền nghề dệt vải, thêu, cắt, may trang phục cho thế hệ trẻ, hướng tới đưa các sản phẩm thêu may, trang phục truyền thống trở thành hàng hóa, hình thành Câu lạc bộ nghề dệt thổ cẩm...
Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch, mở ra những cơ hội phát triển mới cho địa phương.
Trần Thảo
Tag:
File đính kèm