Cùng với các làn điệu hát Cọi, Lượn, Then là một phần mạch nguồn văn hóa dân tộc Tày. Thực hành tín ngưỡng Then và hát Then là nghệ thuật biểu diễn phổ biến nhất gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày.
Nghi thức Then lớn nhất trong năm của người dân tộc Tày là trong dịp lễ hội Lồng Tồng, lễ hội mang tính cộng đồng lớn nhất trong đầu Xuân năm mới. Chủ lễ là một thầy Then có uy tín sẽ đại diện dân bản dâng lễ vật và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm êm cho dân bản. Bên cạnh đó, các lễ Lẩu Then Bjóoc Mạ, Lẩu Then cốm sẽ được các nghệ nhân Then tổ chức trong mùa Xuân, mùa Thu cũng là các nghi lễ đặc sắc về văn hóa tâm linh của dân tộc Tày.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Chự giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính tới du khách.
Thời gian qua, có một số loại hình nghệ thuật truyền thống trong đó có nghệ thuật đàn Tính, hát Then của người Tày Hà Giang có nguy cơ mai một. Người trẻ chạy theo các trào lưu văn hóa mới bỏ quên các làn điệu dân tộc, các nghệ nhân già đi theo năm tháng khiến văn hóa cổ truyền mất dần trong đời sống cộng đồng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Chự cùng nhiều người am hiểu Then, hát Then ở địa phương đã bàn nhau mở lớp dạy đàn Tính, hát Then để đưa làn điệu dân tộc đến với nhiều người hơn. Lớp học ở thôn Tha, thôn Chang đã trở thành nơi để những cá nhân có đam mê, yêu thích và năng khiếu với các làn điệu dân ca Lượn, Cọi, hát Then và đàn Tính được học hỏi, phát huy khả năng từng người. Lớp học ở thôn Chang thu hút nhiều học viên được ông Chự và vợ ông gây dựng đã trở thành điểm đến của nhiều nghệ nhân, tiếng đàn Tính, tiếng luyện thanh vang lên mang đậm âm hưởng quê hương. Để lớp học đạt hiệu quả ông Chự còn mời thêm các nghệ nhân trong xã và từ các huyện bạn sang hỗ trợ truyền dạy.
Vốn am hiểu dân ca, dân vũ truyền thống, ông Chự còn góp sức khôi phục một số làn điệu Then cổ của dân tộc Tày. Nhiều năm qua ông đã sưu tầm, khôi phục hơn 20 bài hát dân ca Tày, trong đó có nhiều làn điệu hay mang ý nghĩa sâu sắc của dân ca Tày như làn điệu “Khảm pé, suôi thuông”. Ông Nguyễn Văn Chự cho biết: Để có thể khôi phục các làn điệu dân ca cổ đòi hỏi phải biết dịch nghĩa, đồng thời am hiểu và biết hát đúng lời thì sau này mới có thể dạy lại cho thế hệ sau không bị mai một.
Có thể thấy những năm gần đây, nghi lễ thực hành Then ở Hà Giang đang lưu giữ rất tốt, cũng bởi đã có những người tâm huyết, nghĩ cho lớp trẻ, yêu Then. Mang hát Then, đàn Tính đến với cộng đồng rộng rãi hơn, ông Chự cùng các nghệ nhân đã tham gia giao lưu, biểu diễn ở nhiều tỉnh như: Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng… Từ các buổi giao lưu, biểu diễn này ông và các nghệ nhân tâm huyết không chỉ lan tỏa văn hóa dân tộc tới nhiều người hơn mà còn học hỏi được nhiều từ các nghệ nhân tâm huyết của tỉnh bạn, từ sự tâm huyết, yêu nghệ thuật cổ truyền đó giúp ông thêm động lực để lan tỏa tình yêu Then cho thế hệ sau ở quê hương.
Với nỗ lực tiếp lửa cho thế hệ sau nghệ nhân Nguyễn Văn Chự và các thành viên đã mang tới những hiệu quả đầy hy vọng. Lớp học luôn đông với sự tham gia của nhiều thế hệ tạo nên không khí say mê với làn điệu Then cổ của dân tộc. Trong các lớp hát Then, đàn Tính được mở trên địa bàn các thôn đã có thêm nhiều người trẻ đến với Then, yêu thích hát Then như chị Nguyễn Thị Kết, Trần Thị Thiếp... hiện vẫn giữ lửa đam mê, thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn trong xã và thành phố. Với sự phát triển của du lịch Hà Giang, các hoạt động văn hóa diễn xướng là một phần không thể thiếu tạo nên sắc màu riêng cho từng vùng miền. Hát Then, đàn Tính, thực hành biểu diễn Then là một phần không thể thiếu khi tiếp đón du khách gần, xa của các làng văn hóa du lịch đậm đà bản sắc như Hạ Thành, thôn Tha...
Bài, ảnh: Trà Nhân