Theo Hiệp hội Sản xuất và Thương mại Nếp quýt Kim Thành, với gần 400 hội viên, trong những năm qua hiệp hội duy trì sản xuất hơn 200 ha lúa nếp quýt mỗi vụ tại các xã Cổ Dũng, Cộng Hoà, Tuấn Việt, Kim Xuyên… (cùng huyện Kim Thành). Hiệp hội đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể, cấp mã vạch cho sản phẩm “Nếp quýt Kim Thành” và sản phẩm này đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
|
Huyện Kim Thành hiện có 8 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá chủ lực, tập trung theo quy hoạch; trong đó có vùng nếp quýt hơn 400 ha ở các xã Cổ Dũng, Tuấn Việt, Kim Xuyên, Cộng Hoà… |
Tại Đại hội lần thứ 2 nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra ngày 22/11 mới đây, Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp quýt Kim Thành đặt mục tiêu phấn đấu thành lập từ 4 đến 6 tổ hội viên liên kết. Đồng thời duy trì và mở rộng diện tích giống lúa nếp quýt ra các huyện trong tỉnh, hướng tới mở rộng ra các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ đề xuất xác nhận giống lúa nếp quýt được công nhận giống lúa quốc gia và xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho lúa nếp quýt Kim Thành. Ngoài ra, phát triển thêm từ một đến 2 sản phẩm OCOP được chế biến từ sản phẩm nếp quýt.
Hiệp hội cũng sẽ tích cực, chủ động quảng bá các sản phẩm từ gạo nếp quýt Kim Thành và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với cung ứng sản phẩm qua các hội viên liên kết, hội viên danh dự và các đại lý trên thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế.
|
Sản phẩm gạo nếp quýt Kim Thành đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. |
Theo cơ quan chuyên môn của huyện Kim Thành, năm 2020, thương hiệu nếp quýt Kim Thành được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2021, sản phẩm nếp quýt Kim Thành được UBND tỉnh Hải Dương công nhận đạt chứng nhận OCOP 3 sao…
Từ những lợi thế trên, nhiều địa phương trong huyện đã mở rộng diện tích sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất nếp quýt theo tiêu thuẩn VietGAP; tích cực quảng bá đặc sản nếp quýt... nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với các loại gạo nếp khác trên thị trường.
Nguồn: Mekongasean