Sign In

Bác sống mãi trong lòng nhân dân

05:38 18/05/2024

Đã 55 năm Bác Hồ đi xa nhưng hình ảnh của Người, công lao của Người, tình cảm của Người luôn được người dân cả nước nói chung, người dân Hà Nam nói riêng khắc ghi trong lòng. Người dân nhớ đến Bác bằng tình cảm kính trọng, biết ơn vô hạn. Bác sống mãi trong lòng nhân dân.

Ông Đào Văn Núi (73 tuổi, ở xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm) là một nông dân bình thường nhưng khi nói về Bác Hồ, ông luôn thể hiện rõ niềm xúc động, kính trọng và lòng biết ơn vô hạn. Ông cho biết, dù chưa bao giờ được gặp Bác, nhưng từ nhỏ hình ảnh Bác đã trở nên thân thuộc với ông cũng như các bạn đồng lứa và tất cả những người dân ở làng. Bác thân thuộc, vĩ đại trong những áng văn, bài thơ trong sách, qua những ca khúc phát trên chiếc đài thu thanh nho nhỏ, những bài hát hằng ngày khi ở nhà, ở trường. Bác bình dị mà tràn đầy tình yêu thương ấm áp qua những câu chuyện kể về cuộc đời của Bác do người lớn, các thầy cô giáo kể lại. Bác hiền từ trong những tấm ảnh Bác treo ở nhà, ở trường…

Ngày nghe tin Bác Hồ mất, ông và các bạn trong lớp lặng đi, rồi nức nở khóc như mất đi người thân yêu quý của mình. Sau đó ông và các bạn đều quyết tâm “biến đau thương thành hành động”, tích cực học tập, tham gia lao động sản xuất, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” góp phần đánh đuổi đế quốc Mỹ. Lớn lên đi bộ đội rồi trở lại quê hương gắn bó với ruộng đồng nhưng ông luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, lao động chăm chỉ, thật thà, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học hành chí thú và trở thành người công dân tốt.

Cô giáo Trường Mầm non Hoa Sen (Phủ Lý) giới thiệu cho học sinh về công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và công lao của Bác trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Năm nay đã hơn 90 tuổi, từng sống trong chế độ cũ đói khổ bị kìm kẹp tứ bề, ông Nguyễn Đình Hiếu (ở Phù Vân, Phủ Lý) càng hiểu sâu sắc công lao vĩ đại của Bác Hồ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống độc lập tự do cho toàn dân.

Ông Nguyễn Đình Hiếu không bao giờ quên được ngày 2/9/1945, khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình. Lúc đó mới là một thiếu niên nhưng ông cũng như mọi người vỡ òa niềm vui khi lần đầu tiên được đứng dưới bầu trời tự do độc lập. Trên mỗi bước đường sau này ông luôn sống, cống hiến hết mình với một niềm biết ơn vô hạn vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc-Hồ Chủ tịch. Mỗi khi đến kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5 hay Quốc khánh 2/9 và cũng là ngày Bác mất, ông luôn mang một tâm trạng thành kính, rưng rưng, nhớ về Bác- vị cha già vĩ đại của dân tộc. Ông luôn kể cho con cháu của mình về cuộc sống khổ cực trong chế độ cũ, công lao của Bác trong lãnh đạo giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nhân cách, tình thương bao la của Người, và giáo dục con cháu sống và làm việc theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.

Các thế hệ sau này cũng luôn được giáo dục, truyền nối để biết ơn, ghi nhớ công lao vĩ đại của Bác, nhân cách, tình thương bao la của Người, luôn có ý thức học tập và làm theo Bác. Từ nhỏ các cháu bé đã được ông bà, bố mẹ, các thầy cô ở trường kể những câu chuyện về Bác. Khi lớn dần lên, qua những bài học, nghiên cứu, chuyên đề, sự tự thẩm thấu, cảm nhận của bản thân… mỗi người càng thấm nhuần tư tưởng của Người, hiểu sâu sắc hơn về Bác, về vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc.

Việc học tập và làm theo Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, được gắn với công việc hằng ngày của mỗi cá nhân. Các cháu thiếu nhi thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Các nhà trường thi đua dạy tốt, học tốt. Đội ngũ cán bộ y tế thực hiện “Lương y phải như từ mẫu”. Cán bộ, công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu… Người dân thi đua lao động sản xuất, phát triển thương mại dịch vụ nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,… Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, an ninh chính trị được bảo đảm,...

Hồ Chủ tịch - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam. Ở Hà Nam có Khu di tích lịch sử lưu niệm Cát Tường là nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm và động viên cán bộ và nhân dân đắp đập Cát Tường năm 1958 thuộc thôn Cát Tường, xã An Mỹ, huyện Bình Lục. Đây là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện nhân những ngày lễ trọng đại của đất nước, của tỉnh nhằm báo công lên Bác. Đây cũng là nơi các cấp lãnh đạo trong tỉnh đến dâng hương mỗi khi tổ chức các sự kiện quan trọng trong tỉnh, nơi người dân đến kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại của vị cha già kính yêu của dân tộc.

Tại nhiều nơi trong tỉnh, trong đình, chùa làng người dân trang trọng đặt Ban thờ Tổ quốc, trên đó có đặt tượng Bác để thờ và bát hương thờ anh linh các Anh hùng liệt sỹ của quê hương. Người dân thường xuyên đến kính cẩn dâng hương, nhất là vào các dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5 và ngày Quốc khánh 2/9 cũng là ngày Bác mất. Tại Hà Nội, trái tim của cả nước, ngày ngày từng đoàn người từ khắp nơi về Quảng trường Ba Đình xếp hàng vào lăng viếng Bác. Người dân cũng thường xuyên về làng Sen thăm nơi Bác đã sinh ra, thăm lại mái nhà xưa Bác lớn lên, tưởng nhớ về Bác. Bác sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Đỗ Hồng

Tag:

File đính kèm