Sign In

Tiếp tục đồng hành, hiến kế phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh

22:09 24/11/2023
Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội đã “hiến kế” nhiều giải pháp phát triển bền vững KT-XH thời gian tới, tập trung vào phát triển kinh tế xanh; thúc đẩy liên kết vùng; khai thác tiềm năng các không gian văn hóa đặc trưng của tỉnh...

Tối 23/11, tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2023.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội Đặng Quốc Tiến, lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội tham dự.

Về phía Hà Tĩnh, có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia.

Toàn cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Trưởng nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội đã thông tin về một số hoạt động trong năm 2023. Thời gian qua, các thành viên đã thảo luận, hiến kế và gợi mở nhiều giải pháp phát triển KT-XH.

Đặc biệt, ngày 18/3, Nhóm Tư vấn đã có cuộc làm việc với BTV Tỉnh ủy. Sau cuộc làm việc, Nhóm Tư vấn đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy đề xuất 10 nội dung ưu tiên triển khai để phát triển Hà Tĩnh bền vững.

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Trưởng nhóm Tư vấn thông tin về kết quả hoạt động năm 2023.

Cụ thể gồm: xây dựng, áp dụng mô hình tiếp cận phát triển Hà Tĩnh bền vững, thịnh vượng, an toàn; nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá số, kết nối số; ưu tiên công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo gắn với chuyển đổi năng lượng... để phát triển Hà Tĩnh bền vững; phát triển và phát huy lan tỏa cảng Vũng Áng; xây dựng, phát triển và áp dụng các giải pháp triển du lịch và công nghiệp văn hóa tạo ra sản phẩm để triển KT-XH dựa vào khai thác, tôn tạo, bảo tồn các di sản, các giá trị độc đáo về tự nhiên, xã hội, văn hóa;

Sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sức khỏe, nâng cao chỉ số hạnh phúc; đẩy mạnh đô thị hóa; thu hút đầu tư và nguồn lực trong và ngoài nước; các đột phá về thể chế, chính sách, cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, phân công để thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Tĩnh cần lựa chọn mục tiêu phát triển gắn với đà phát triển của tỉnh hiện nay.

Tại cuộc họp, thành viên Nhóm Tư vấn đã “hiến kế” nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững KT-XH thời gian tới như: phát triển logistics; đô thị hóa; tập trung phát triển đô thị; phát triển du lịch, phát huy các lợi thế của danh lam, thắng cảnh và giá trị văn hóa phi vật thể; phát triển kinh tế xanh...

Ông Đặng Quốc Tiến - Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội: Nhóm Tư vấn đã hoạt động thiết thực, dành thời gian nghiên cứu, khảo sát, tìm tòi, đóng góp nhiều ý kiến, kiến thức khoa học cho tỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cảm ơn những tình cảm, tâm huyết mà Nhóm Tư vấn hướng về quê hương Hà Tĩnh; thông tin khái quát tình hình KT-XH của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 6,3%; dự kiến GRDP năm 2023 đạt khoảng 8,3%. Thu ngân sách 11 tháng năm 2023 đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm này đạt khoảng 75%. Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam được Chính phủ đánh giá cao. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng thông tin về tình hình KT-XH Hà Tĩnh.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm. UNESCO vừa ra nghị quyết vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; cùng với Đại thi hào Nguyễn Du, Hà Tĩnh đã đóng góp 2 trong số 7 danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam.

Chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến tích cực; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo được chú trọng. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy trao đổi cùng các thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội bên lề cuộc họp.

Bí thư Tỉnh ủy cũng thông tin một số nội dung Hà Tĩnh sẽ tập trung cao trong thời gian tới, trong đó, tiếp tục đề xuất chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê; thực hiện các bước để đưa Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội; tập trung thu hút đầu tư, phát huy lợi thế cụm cảng nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng, đưa Khu kinh tế Vũng Áng trở thành động lực tăng trưởng; phát huy vai trò của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; tập trung cho liên kết vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các danh lam, thắng cảnh, không gian văn hóa của Hà Tĩnh; tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM...

Bí thư Tỉnh ủy mong rằng thời gian tới, Nhóm Tư vấn sẽ tiếp tục đồng hành để đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Trong khuôn khổ cuộc họp, lãnh đạo tỉnh và Nhóm Tư vấn đã tặng hoa chúc mừng GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - thành viên Nhóm Tư vấn vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Xuân Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ KH&ĐT), thành viên Nhóm Tư vấn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nguồn: Ngọc Loan/baohatinh.vn

( https://baohatinh.vn/chinh-tri/tiep-tuc-dong-hanh-hien-ke-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ha-tinh/257758.htm )

Tag:

File đính kèm