Nhà máy Sản xuất Pin VinES đi vào sản xuất, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Ảnh: Thu Trang.
Nếu hết quý II/2023, tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh chỉ mới đạt 5,02% thì đến hết quý III, con số này đã đạt 7,68%, cao hơn bình quân chung cả nước (GDP cả nước 9 tháng đạt 4,24%). Đây là minh chứng cho những khởi sắc, bước đột phá trong phát triển KT-XH của Hà Tĩnh.
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Trần Thanh Bình cho biết: Tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2023 của Hà Tĩnh xếp thứ 2/6 khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong mức tăng chung 7,68%, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 2,56%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,89%; khu vực dịch vụ tăng 6,46% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,57%.
Bảng thống kê tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh trong quý III/2023 và 9 tháng năm 2023.
GRDP 9 tháng có bước tăng trưởng mạnh là nhờ mức tăng trong quý III đạt 10,69%. Trong đó, các động lực chính góp phần quan trọng vào GRDP trong quý III là tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoạt động trở lại từ ngày 12/8 sau gần 2 năm tạm ngừng do sự cố; nhà máy sản xuất Pin VinES đi vào sản xuất thương mại từ ngày 28/8.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, quý III/2023, lĩnh vực công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng đã đưa chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 23,76% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh “đòn bẩy” từ những động lực mới của ngành điện, sản xuất pin thì ngành sản xuất thép, sợi cũng tăng sản lượng so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng tiếp tục tăng công suất khai thác nhằm cung cấp vật liệu các công trình trọng điểm trên địa bàn. Nhờ đó, chỉ số sản xuất toàn ngành trong 9 tháng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành trở lại là niềm vui lớn đối với ngành công nghiệp Hà Tĩnh.
Tăng trưởng trong khu vực công nghiệp - xây dựng cũng ghi nhận đóng góp quan trọng của hoạt động xây dựng. 9 tháng qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác giải phóng mặt bằng, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc và sự huy động mọi nguồn lực của các đơn vị thi công, nhiều công trình khối lượng lớn như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh, khu đô thị Hà Mỹ Hưng... được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đây là những nguyên nhân trực tiếp đẩy giá trị xây dựng 9 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ cũng thể hiện rõ sự phục hồi so với cùng kỳ năm trước, góp phần lớn vào tăng trưởng GRDP. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 52.000 tỷ đồng, tăng 15,22% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này là nhờ môi trường kinh doanh ổn định và hiệu quả từ các chính sách kích cầu, phát triển kinh tế của Nhà nước, doanh nghiệp. Cùng đó, hoạt động du lịch lữ hành khởi sắc đã góp phần đưa ngành dịch vụ, ăn uống trở nên sôi động, doanh thu tăng trưởng cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 15,22% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, vừa nâng cao đời sống Nhân dân. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trong 9 tháng năm 2023, kết quả sản xuất đạt và vượt kế hoạch đề ra, sản xuất vụ lúa xuân và lúa hè thu cho năng suất cao. Chăn nuôi cơ bản ổn định, tổng đàn trâu, bò có xu hướng giảm và tăng chăn nuôi lợn, gia cầm. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản có nhiều khởi sắc.
Tiến độ thi công các công trình trọng điểm là một trong những yếu tố tác động tới tăng trưởng GRDP của tỉnh. Ảnh: Văn Đức.
Trên cơ sở phân tích các yếu tố tăng trưởng 9 tháng, Cục trưởng Cục Thống kê Trần Thanh Bình nhận định, bước sang quý IV với sự tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình khung triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 và các nghị quyết, chính sách giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, hoạt động của các doanh nghiệp, tiến độ triển khai thi công các công trình trọng điểm, dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 sẽ đạt trên 8%.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà cho biết: Tăng trưởng GRDP tiến gần đến mục tiêu cả năm đề ra nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn. Do vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tập trung cao các dự án trọng điểm; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện đồng bộ giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023; tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công...
Nguồn: Ngọc Loan/baohatinh.vn
(
https://baohatinh.vn/kinh-te/buoc-dot-pha-tang-truong-grdp-cua-ha-tinh/255180.htm
)