Sign In

Khóm sấy dẻo giúp phụ nữ tăng thu nhập

08:59 08/06/2024

Sau hơn 1 năm hoạt động, Tổ hợp tác khóm sấy dẻo ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, đã tạo cơ hội giúp một số chị em phụ nữ địa phương có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. 

Tháng 3-2023, Tổ hợp tác khóm sấy dẻo ấp 9, xã Vĩnh Viễn A được thành lập với 10 thành viên. Tham gia vào tổ, chị em có cơ hội cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng khóm, sáng tạo ra những sản phẩm làm từ trái khóm để nâng cao giá trị cây trông này.

Bà Trần Phương Trang, Tổ phó Tổ hợp tác khóm sấy dẻo, cho biết: “Thông thường, khóm trồng đạt loại nhất mới bán được giá cao cho thương lái, còn khóm loại 2, loại 3 thương lái mua giá rất thấp nên lợi nhuận không cao. Để cải thiện thu nhập, chị em chúng tôi sáng tạo ra sản phẩm khóm sấy dẻo chế biến từ trái khóm loại 2, loại 3 bán ra thị trường”.

Các thành viên trong Tổ hợp tác khóm sấy dẻo trao đổi các khâu sơ chế khóm trước khi đem sấy.

Theo bà Trang, lợi ích của việc làm ra các sản phẩm khóm sấy dẻo không chỉ giúp nâng giá bán của trái khóm loại 2, loại 3 cao tương đương khóm loại 1 bán cho thương lái mà còn “hóa thân” trái khóm thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhiều người. Bên cạnh đó, việc sản xuất khóm sấy dẻo còn góp phần khắc phục tình trạng ứ đọng khóm khi thương lái không thu mua, ép giá.

Theo ghi nhận, vào những lúc cao điểm đơn hàng, Tổ hợp tác còn tạo việc làm cho nhiều chị em địa phương với mức thù lao 25.000 đồng/giờ/người.

Trước đây, việc sản xuất khóm sấy dẻo chỉ bắt đầu từ một hộ cá thể. Nhận thấy việc sản xuất như vậy giúp nâng cao thu nhập, đồng thời để có nguồn hàng khóm sấy đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, Hội LHPN xã Vĩnh Viễn A đã vận động thêm nhiều chị em cùng tham gia sản xuất và thành lập Tổ hợp tác khóm sấy dẻo ấp 9.

Định kỳ hàng tháng, các thành viên sẽ tập trung sinh hoạt để lên kế hoạch sản xuất trong tháng, phân công nhau chuẩn bị nguồn khóm nguyên liệu phục vụ sản xuất.

“Hiện tại, bình quân mỗi tháng chúng tôi sản xuất khoảng 300kg khóm sấy dẻo bán ra thị trường qua các kênh bán hàng online. Vào các dịp lễ, tết thì lượng hàng bán ra tăng hơn rất nhiều”, bà Trang cho biết thêm.

Theo thời giá, hiện khóm sấy dẻo được bán ra từ 200.000 – 240.000 đồng/kg; bình quân mỗi tháng lợi nhuận của tổ thu về từ việc sản xuất khóm sấy dẻo khoảng 20 - 30 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế và tiềm năng phát triển, bà Trang đã đăng ký tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Dự án khởi nghiệp này đã được vào vòng chung kết.

“Tôi mong muốn thông qua Cuộc thi, sản phẩm khóm sấy dẻo được nhiều người biết đến hơn và nếu may mắn đạt giải cao chúng tôi sẽ được các cấp hội hỗ trợ thêm nhiều hơn nữa để hoạt động của Tổ được ổn định và ngày càng phát triển trong tương lai”, bà Trang bộc bạch.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Như, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, trên địa bàn xã có trên 500 ha khóm, số hộ hội viên trồng khóm chiếm khoảng 70%, do đó việc nâng cao giá trị kinh tế của cây khóm sẽ góp phần nâng cao đời sống chị em. Tạo điều kiện cho Tổ hoạt động tốt hơn, Hội đã đề nghị Hội cấp trên hỗ trợ 5 triệu đồng cho Tổ mua máy móc, nguyên liệu sản xuất; tạo điều kiện cho 2 thành viên tiếp cận vốn vay 20 triệu đồng/người để mua cây giống, phân bón…

Hội LHPN xã thông tin thêm, thời gian qua đã vận động các chị trồng khóm tham gia các tổ hợp tác như: Tổ hợp tác trồng khóm sạch, Tổ hợp tác nước màu khóm… để chị em có điều kiện học tập, chia sẻ kinh nghiệm trồng khóm nâng cao năng suất, sáng tạo ra nhiều sản phẩm từ khóm để nâng cao đời sống.

Tổ hợp tác khóm sấy dẻo được thành lập chỉ hơn 1 năm nhưng hoạt động dần ổn định, có tiềm năng phát triển tốt. Tới đây, Hội sẽ tiếp tục nắm bắt nhu cầu của các thành viên trong Tổ nhằm kết nối với hội cấp trên, các sở, ban, ngành quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, máy móc sản xuất, quảng bá và tìm đầu ra, giúp tổ hoạt động hiệu quả bền vững.

Bài, ảnh: MỸ AN

Tag:

File đính kèm