Sign In

Trường Chính trị Hậu Giang tham mưu, tư vấn ban hành nhiều chính sách đi vào cuộc sống

08:40 21/11/2024
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, ngoài việc quan tâm đến chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đã không ngừng quan tâm đến công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học và xem đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao vị trí của Trường trong đời sống chính trị, xã hội ở địa phương.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Loan phát biểu tại một hội thảo.

Trong tình hình hiện nay, có rất nhiều vấn đề mới phát sinh đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, tổng kết và đưa ra những quyết sách kịp thời nhằm đáp ứng được thực tiễn đời sống chính trị, xã hội. Trước thực tiễn đó, địa phương đã, đang huy động các nguồn lực, tham gia vào quá trình ban hành chủ trương, chính sách; và Trường Chính trị được xem là nguồn lực quan trọng giải quyết được vấn đề.

Nhiều kết quả

Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Trường đã tham mưu, tham gia, trực tiếp tư vấn với 9 nghị quyết, đề án, quy định cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Việc tham mưu, tư vấn chính sách được thể hiện ở 3 hình thức: tham gia với tư cách chủ trì; với tư cách là thành viên dự thảo đề án: với tư cách góp ý trực tiếp.

Với tư cách chủ trì xây dựng đề án, có thể kể đến Đề án số 02 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án số 03 của UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực đối với viên chức và người lao động, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Với tư cách thành viên dự thảo, là Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đến năm 2025”; Nghị quyết Quy định chức danh, mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở ấp, khu vực và mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu vực trên địa bàn; nghị quyết Quy định số lượng, mức trợ cấp cho lực lượng Dân quân tự vệ ở xã, phường, thị trấn và Công an viên bán chuyên trách ở xã, thị trấn…

Đã tham gia góp ý trực tiếp dự thảo Quy định số 1120 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Đề án số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp…

Quá trình tham mưu, tư vấn chính sách, Trường chứng minh được năng lực, khả năng đáp ứng được yêu cầu về việc trực tiếp, gián tiếp tham gia ban hành chủ trương, chính sách trong xây dựng, phát triển tỉnh nhà giai đoạn hiện tại cũng như những năm tiếp theo.

Thực hiện hiệu quả mô hình “Lý luận gắn thực tiễn - Sinh kế bền vững” Trường Chính trị tỉnh khắc phục tình trạng giảng chay, lý thuyết suông.

Hiệu quả cao

Tham mưu, tư vấn chính sách đã, đang chứng minh được hiệu quả bước đầu trong việc tận dụng, khơi dậy, phát huy năng lực của Trường tham gia vào ngày càng sâu rộng vào đời sống chính trị, xã hội địa phương.

Có thể thấy rõ nhất là giúp vị thế của Trường nâng lên, đặc biệt là vị thế về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Cấp ủy, chính quyền đã tin tưởng, đánh giá đúng thực lực, năng lực nhà trường, không chỉ đơn thuần là truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng phát triển của địa phương, mà còn có khả năng tham gia vào một số hoặc thậm chí có thể độc lập tham mưu về chủ trương, chính sách của địa phương. 

Đã có những nhiệm vụ, vấn đề liên quan như đề tài khoa học nâng chất lượng hoạt động hợp tác xã, các nội dung liên quan phát triển nguồn nhân lực được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho Trường với tư cách chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Điều đó chứng tỏ vị thế của Trường trong đời sống chính trị, xã hội ở địa phương rất quan trọng.

Hiệu quả không thể không nói đến là năng lực nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên ngày càng sát, đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, qua hoạt động tham gia dự thảo, xây dựng nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh với nhiều hình thức đã giúp cho năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng lên. Đặc biệt rất tự tin, tin tưởng với khả năng của mình, từ đó tạo thêm động lực, niềm say mê trong nghiên cứu; đã có nhiều giảng viên tích cực, chủ động đề xuất cho Trường, tỉnh nhiều vấn đề phát sinh cần được nghiên cứu trong hoạt động quản lý, đời sống chính trị, xã hội.

Đội ngũ giảng viên thấy được sự đóng góp của mình đang được triển khai trên thực tế - đây là kết quả, hiệu quả cao nhất của việc nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay không chỉ phục vụ công tác chuyên môn, công tác giảng dạy, mà còn nhiều khát vọng thực hiện các công trình nghiên cứu được triển khai áp dụng trên nhiều lĩnh vực, trên phạm vi của tỉnh.

Qua tham mưu cũng đã giúp nâng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng” tỉnh Hậu Giang ban hành nhiều chủ trương, đường lối nhằm thực thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Trong đó, Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo là sự định hướng tổng thể về xác định cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Để thực hiện Nghị quyết này, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025; Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Đề án “Thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; Quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Việc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các nghị quyết, đề án, kế hoạch trên, giúp cho đội ngũ giảng viên nắm chắc được từng quan điểm, định hướng, mục tiêu, nội dung của các ngành, lĩnh vực, từ đó góp phần thiết thực vào quá trình vận dụng, liên hệ thực tiễn các vấn đề của địa phương. Như vậy, đội ngũ giảng viên không chỉ giỏi về lý luận, mà còn hiểu cả các vấn đề thực tiễn đang diễn ra theo định hướng nào, từ đó khắc phục được tình trạng giảng chay, lý thuyết suông.

Tham gia vào quá trình ban hành chủ trương, chính sách, bản thân đội ngũ giảng viên đã là “thực tiễn”, vì vậy khi chứng minh, lý giải, làm rõ các vấn đề lý luận học viên sẽ dễ hiểu, dễ nắm vấn đề, nội dung và việc vận dụng kiến thức vào đó vào trong cơ quan đơn vị của mình, từng bước “lửa” được truyền và độ “chín” của học viên cao hơn sau khi tham gia học lý luận chính trị gắn thực tiễn tại trường.

Tích cực tham mưu, tư vấn chính sách còn đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí xây dựng trường chính trị chuẩn. Cụ thể, tham gia của đội ngũ giảng viên vào ban hành chủ trương, đường lối không chỉ góp phần nâng cao vị thế của trường, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng mà quan trọng đáp ứng được các yêu cầu theo các tiêu chí trường chuẩn về hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Trong 55 chỉ tiêu có 9 chỉ tiêu về hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị:

Trường đã tích cực, chủ động đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, có những công trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch do Trường tham gia hoặc chủ trì dự thảo được triển khai trong đời sống xã hội. Thực hiện mô hình “Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trường chính trị tham gia vào quá trình ban hành chủ trương, chính sách ở địa phương - nhìn từ thực tiễn ở Trường Chính trị Hậu Giang” là một minh chứng thể hiện một hướng đi, cách tiếp cận đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết của trường trong thời gian qua và sẽ phát huy trong thời gian tới.

 

T.T

Tag:

File đính kèm