Sign In

Thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

14:41 11/06/2024
Với mục tiêu tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động của các tỉnh phía Bắc và cả nước; ngày 07/6/2024, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 8%; tốc độ tăng năng suất lao động của vùng kinh tế động lực của tỉnh (Thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn) cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của tỉnh trong giai đoạn 2024-2030; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng trung bình 15%/năm đến năm 2025 và tăng trung bình 20%/năm đến năm 2030; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25% vào năm 2025 và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 32% vào năm 2030; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 48% và đến năm 2030 dưới 40%; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; hoàn thành việc ứng dụng các phần mềm, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu về lao động.
 
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: 
 
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động: Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài bằng cách phát triển kết cấu hạ tầng, đơn giản hóa quy trình pháp lý, có chiến lược tiếp cận nhóm nhà đầu tư tư nhân cụ thể, nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi chiến lược cho các dự án ưu tiên; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong các ngành trọng điểm của tỉnh nhằm tạo nền tảng ổn định, bền vững. Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nhằm cải thiện năng suất lao động: Xây dựng cơ chế khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại địa phương; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động kinh tế, lĩnh vực mới, mô hình sản xuất kinh doanh mới; rà soát, đánh giá ưu, nhược điểm làm cơ sở hoàn thiện chính sách xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
 
Thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động: Thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp; xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp địa phương, cấp doanh nghiệp và cộng đồng.
 
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Có chính sách khuyến khích đào tạo, hỗ trợ cán bộ, công chức tự học để nâng cao trình độ; rà soát các chính sách tuyển dụng, ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài, chú trọng đội ngũ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi trong và ngoài nước để tạo nguồn cán bộ lâu dài; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục đào tạo, coi người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Gắn kết chặt chẽ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; nghiên cứu, ban hành chính sách thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình giáo dục và đào tạo mới dựa trên nền tảng và công nghệ số; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật; xây dựng chính sách ưu đãi về lĩnh vực lao động và nâng cao đời sống để thu hút nhân tài và lao động có tay nghề; Mở rộng quan hệ đối tác với doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức đào tạo để rút ngắn khoảng cách giữa kỹ năng của lực lượng lao động và yêu cầu của người sử dụng lao động; đổi mới phát triển nguồn nhân lực bằng các nền tảng đào tạo ứng dụng kỹ thuật số. Tăng cường hội nhập quốc tế thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục có chất lượng cao của nước ngoài về trao đổi học sinh, giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phương pháp giảng dạy và hợp tác nghiên cứu khoa học; tích cực chia sẻ thông tin phục vụ hội nhập quốc tế. Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo.
 
Thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành: Phát triển vùng và liên kết vùng hiệu quả. Hình thành không gian phát triển vùng phù hợp trong từng vùng kinh tế - xã hội để kết nối phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh và tăng năng suất lao động ở các vùng và từng địa phương trong tỉnh; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; rà soát cơ cấu không gian phát triển công nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển cụm công nghiệp và chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh.
Nguyễn Hải
 
 
 

Tag:

File đính kèm